HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Nợ toàn cầu lập kỷ lục mới 315 nghìn tỷ USD, điểm danh những nước nặng nợ nhất

Thiên Kim

(Thị trường tài chính) - Tính tới quý I năm nay, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã tăng lên 333%.

Tổng nợ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục mới trong quý đầu tiên của năm 2024, tăng thêm 1,3 nghìn tỷ USD chỉ trong 3 tháng.

Làn sóng vay nợ này đang lan rộng trên khắp các nền kinh tế thế giới. Mỹ và Nhật Bản là những nước "đóng góp" lớn nhất trong nhóm nền kinh tế phát triển, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico chiếm thị phần lớn nhất tại nhóm các thị trường mới nổi. 

Nhìn chung, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đạt 333% khi chi phí trả nợ cao hơn và gánh nặng nợ ngày càng tăng.

Đồ thị thông tin dưới đây cho thấy mức nợ toàn cầu từ quý I/2016 đến quý I/2024, dựa trên dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Nợ toàn cầu lập kỷ lục mới 315 nghìn tỷ USD, điểm danh những nước nặng nợ nhất - ảnh 1Đồ thị thông tin. Nguồn: IIF, Visual Capitalist 

 

Nợ ngày càng tăng

Tính tới quý I/2024, nợ toàn cầu đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại là 315,1 nghìn tỷ USD. Kể từ khi đại dịch bùng phát, nợ tăng vọt 21% và thêm 54,1 nghìn tỷ USD vào tổng nợ toàn cầu.

Hiện nay, phần lớn nợ do các tập đoàn phi tài chính nắm giữ ở mức 94,1 nghìn tỷ USD, trong khi các khoản vay của Chính phủ theo sát phía sau với 91,4 nghìn tỷ USD. 

Ngoài ra, khu vực tài chính nắm giữ 70,4 nghìn tỷ USD nợ còn các hộ gia đình ghi nhận 59,1 nghìn tỷ USD.

Nợ toàn cầu lập kỷ lục mới 315 nghìn tỷ USD, điểm danh những nước nặng nợ nhất - ảnh 2Bảng thống kê mức nợ toàn cầu từ quý I/2016 đến quý I/2024. Nguồn: IIF, Visual Capitalist 

 

Mặc dù các biện pháp kích thích đã thúc đẩy dòng tiền vay mượn, chúng lại khiến nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng bấp bênh hơn. 

Ở Mỹ, chi phí trả nợ hiện cao hơn chi tiêu quốc phòng và dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục tăng. Do đó, Chính phủ có thể cần tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu để giải quyết nợ. 

Đối với các thị trường mới nổi, gánh nặng nợ ngày càng tăng đặt ra những rủi ro lớn hơn. Những rủi ro này đặc biệt nghiêm trọng nếu một quốc gia trải qua tăng trưởng chậm chạp trong môi trường lãi suất cao. 

Trong kịch bản này, các chuyên gia cho rằng nhiều thị trường mới nổi có thể cần tái cấu trúc nợ của mình khi việc vay nợ không còn đủ khả năng chi trả.

Đáng lo ngại hơn nữa, khoảng 1/3 các thị trường mới nổi vẫn chưa phục hồi sau đại dịch, với thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn mức ghi nhận vào năm 2019. Trong quý này, nợ do các thị trường mới nổi nắm giữ đã đạt kỷ lục 105 nghìn tỷ USD, tăng 55 nghìn tỷ USD trong 10 năm qua.

Theo IIF, Visual Capitalist