Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có khả năng trở thành ‘thế lực kinh tế mới’
(Thị trường tài chính) - Indonesia đặt mục tiêu đạt được tầm nhìn “Indonesia Vàng vào năm 2045” - đưa quốc gia trở thành nền kinh tế phát triển với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30.000 USD/năm, GDP 9.800 tỷ USD và 70% dân số thuộc nhóm trung lưu.
Hồi đầu năm, Chính phủ Indonesia lạc quan rằng nước này sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,1-5,7% trong năm 2024. Cụ thể, Thư ký Bộ điều phối các vấn đề kinh tế Susiwijono cho biết: “Chúng tôi lạc quan rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của Indonesia sẽ tốt hơn năm 2023”.
Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang nổi lên như một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và triển vọng. Báo cáo Triển vọng kinh tế của World Bank (WB) gần đây cũng dự báo kinh tế Indonesia sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong những năm tới nhờ vào nhu cầu tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ.
Theo World Bank, trong các nền kinh tế lớn, Indonesia có khả năng tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 bằng hoặc cao hơn mức trước đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP của nước này trong năm nay và năm tới được cho là sẽ tăng 5% và 5,1%.
Chưa hết, Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council còn đánh giá Indonesia có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới (xét theo sức mua tương đương) vào năm 2026 nếu có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng lên mức 6-7%/ năm.
Một báo cáo của WB đã chỉ ra thành tựu kinh tế của Indonesia phần lớn nhờ vào khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô mạnh mẽ của Chính phủ - giúp thu hút đầu tư và tạo nguồn vốn dồi dào. Ngoài ra, tỷ lệ hoán đổi nợ xấu và chênh lệch chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi JP-Morgan (EMBI) ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng đã tiếp tục giảm kể từ đại dịch Covid-19 và thấp hơn so với một số nước tương đương.
Trong năm 2023, đầu tư vào Indonesia cũng đã tăng 3,7%, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 47,3 tỷ USD.
Hồi tháng 8, Cơ quan thống kê của Indonesia cho biết trong quý II, nền kinh tế này đã tăng trưởng 5,05% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo trung bình 5% của 24 nhà kinh tế được Reuters thăm dò.
Tiêu dùng hộ gia đình, chiếm một nửa nền kinh tế Indonesia, tăng 4,93% nhờ sự tăng trưởng trong lĩnh vực vận tải và khách sạn. Xuất khẩu tăng 8,28% so với cùng kỳ năm trước, một phần là do lượng khách du lịch nước ngoài đến Indonesia tăng.
Đối với quý III và quý IV năm nay, Ngân hàng Indonesia dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi kế hoạch tăng cường kích thích tài khóa, xuất khẩu cũng sẽ đi lên do nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Indonesia gia tăng.
Tổng thống Joko Widodo cho biết Indonesia có tiềm năng trở thành siêu cường kinh tế mới ở châu Á; đồng thời nhấn mạnh sự phát triển của hạ nguồn và số hóa sẽ là chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
Indonesia đặt mục tiêu đạt được tầm nhìn “Indonesia Vàng vào năm 2045” - đưa quốc gia trở thành nền kinh tế phát triển với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30.000 USD/năm, GDP 9.800 tỷ USD và 70% dân số thuộc nhóm trung lưu.
Hồi năm 2023, Phát biểu tại Hội nghị quốc gia về Tài chính và Giám sát của Cơ quan giám sát phát triển (BPKP), Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan đã đề cập tới mục tiêu rằng: “Sức mạnh kinh tế mới nằm ở Trung Quốc, Ấn Độ. Và tôi đánh giá trong 5 năm tới, Indonesia có thể trở thành một thế lực kinh tế mới”.