HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Lộ diện nhân tố tiềm năng 'gánh' kích thích tiêu dùng Trung Quốc

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Các thành phố nhỏ đang là điểm sáng trên bản đồ tiêu dùng của đất nước tỷ dân với mức tăng trưởng ổn định, bất chấp đà giảm của thị trường bất động sản.

Trong khi các đô thị lớn đang chứng kiến sự thắt chặt chi tiêu, các thành phố cấp ba, cấp tư của Trung Quốc đang nổi lên như điểm sáng bất ngờ trên bản đồ tiêu dùng của thị trường tỷ dân.

Tại các thành phố nhỏ, các nhà hàng, quán ăn vẫn đông đúc, trung tâm thương mại sôi động và showroom xe điện có doanh thu tăng trưởng đều đặn. 

Lộ diện nhân tố tiềm năng 'gánh' kích thích tiêu dùng Trung Quốc - ảnh 1
Khách hàng tại 1 trung tâm phức hợp mua sắm ở Bắc Kinh, ngày 3/11/2024

 

Ngược lại, các đô thị hàng đầu như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến ghi nhận doanh số bán lẻ sụt giảm, kéo theo mức trung bình toàn quốc đi xuống. Điều này thể hiện rõ qua tình trạng vắng khách tại các trung tâm mua sắm và nhà hàng.

Theo phân tích của ông Li Yingtao, đối tác Công ty tư vấn MCR (Thượng Hải), người dân ở các thành phố nhỏ có lợi thế về gánh nặng tài chính và nợ nần thấp hơn. Đồng thời, họ cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh tế, dẫn đến xu hướng chi tiêu mạnh mẽ.

"Ngược lại, tại các thành phố lớn, nợ nần cao đang tạo áp lực lên mức tiêu dùng", ông Li nhận định. "Trước đây, cư dân đô thị lớn tự tin chi tiêu, thậm chí vay mượn nhờ kỳ vọng thu nhập tăng trưởng. Tuy nhiên, gánh nặng nợ tăng cùng triển vọng thu nhập giảm đã làm suy yếu niềm tin này."

Xu hướng tiêu dùng trái chiều

Theo khảo sát của McKinsey công bố tháng 9, niềm tin tiêu dùng tại các thành phố cấp 3-4 đạt 82%, cao hơn đáng kể so với mức 74% tại các đô thị hàng đầu của Trung Quốc. 

Dữ liệu từ Wind cho thấy tỷ lệ nợ hộ gia đình (tỷ lệ đòn bẩy tài chính) năm 2022 tại các thành phố cấp 1-2 vượt 70%, trong khi con số này ở các đô thị cấp 3 chỉ hơn 50%. Với gánh nặng thế chấp thấp hơn, người dân các thành phố nhỏ ít bị ảnh hưởng bởi đà giảm giá bất động sản vẫn đang kéo dài.

Tháng 10/2024, doanh số bán lẻ toàn Trung Quốc đạt 4,54 nghìn tỷ NDT (627,3 tỷ USD), tăng 4,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức 3,2% của tháng 9. Lũy kế 10 tháng tăng 3,5%, đạt 39,9 nghìn tỷ NDT.

Lộ diện nhân tố tiềm năng 'gánh' kích thích tiêu dùng Trung Quốc - ảnh 2
Phố đi bộ Beijing Lu, Quảng Châu năm 2022

 

Tuy nhiên, các thành phố lớn ghi nhận mức tăng trưởng thấp: Bắc Kinh tăng 2,9%, Thượng Hải giảm 2%, Thâm Quyến và Quảng Châu chỉ tăng lần lượt 0,7% và 0,1%. Ngược lại, Thiệu Hưng (Chiết Giang) - đại diện cho các thành phố cấp 3-4 - đạt mức tăng ấn tượng 8,7%.

Ông Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cao cấp về Trung Quốc tại The Economist Intelligence Unit (EIU), chỉ ra rằng tăng trưởng dân số tích cực tại các thành phố nhỏ tương phản rõ với tình trạng suy giảm dân số ở các đô thị lớn - nơi cơ hội đang thu hẹp và chi phí sống ngày càng cao.

"Người tiêu dùng ở các thành phố cấp thấp cũng ít tiếp xúc với hàng xa xỉ, nên ít bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của phân khúc này. Thay vào đó, họ đang có xu hướng nâng cấp chi tiêu, trong khi người tiêu dùng tại các đô thị lớn buộc phải thắt chặt hầu bao", ông Xu nhận định.

Theo Huachuang Securities, nửa đầu năm 2024, trong khi doanh số bán lẻ toàn quốc tăng 3,7%, các thành phố cấp một giảm trung bình 0,67%, các đô thị cấp 3-4 tăng mạnh 4,76%.

Chuyên gia Li Yingtao từ MCR cho biết, dù các dịch vụ và thương hiệu mới thường khởi điểm từ thành phố lớn, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại do bão hòa. Ngược lại, thị trường tại các đô thị cấp 3-4 vẫn đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực từ mua sắm, ẩm thực đến giáo dục, y tế và du lịch.

Theo South China Morning Post

 

Ý kiến bạn đọc