Láng giềng Việt Nam đứng số 1 thế giới về chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip, vượt xa Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ cộng lại
(Thị trường tài chính) - Bắc Kinh đã bỏ ra số tiền kỷ lục 25 tỷ USD trong nửa đầu năm để đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng nội địa.
Trong sáu tháng đầu năm, Trung Quốc đã chi nhiều tiền hơn cho thiết bị sản xuất chip so với tổng chi của Hàn Quốc, đảo Đài Loan và Mỹ cộng lại. Động thái này cho thấy quyết tâm thúc đẩy tự chủ về nguồn cung chip và giảm thiểu rủi ro từ các hạn chế xuất khẩu của phương Tây, theo số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Quốc tế (SEMI).
Là thị trường thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã lập kỷ lục với 25 tỷ USD chi tiêu cho các công cụ sản xuất chip chỉ trong nửa đầu năm 2024. Dữ liệu từ SEMI cho thấy Trung Quốc tiếp tục duy trì mức chi tiêu mạnh mẽ vào tháng 7 và có thể thiết lập thêm một kỷ lục chi tiêu cho cả năm.
Đầu tư vào thiết bị bán dẫn không chỉ là thước đo nhu cầu thị trường trong tương lai mà còn phản ánh triển vọng phát triển của ngành công nghiệp này. Trung Quốc dự kiến sẽ là nhà đầu tư lớn nhất vào việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới, với tổng chi tiêu cho cả năm có thể đạt tới 50 tỷ USD.
SEMI dự báo chi tiêu hàng năm sẽ tăng trưởng đáng kể tại các khu vực như Đông Nam Á, Châu Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản vào năm 2027 nhờ vào xu hướng sản xuất chất bán dẫn trong nước. Clark Tseng, Giám đốc Cấp cao về Tình báo Thị trường của SEMI, nhận định: "Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đang mua mọi thiết bị có thể để phục vụ cho các cơ sở sản xuất mới. Lo ngại về các hạn chế xuất khẩu tiềm ẩn cũng thúc đẩy họ tích cực thu mua thiết bị trước khi có thêm các biện pháp kiểm soát mới."
Tseng chia sẻ quan điểm này tại một cuộc họp báo trước thềm Hội chợ Công nghiệp SEMICON Đài Loan, dự kiến diễn ra từ ngày 4 - 6/9. Ông cho biết thêm rằng, khoản đầu tư kỷ lục của Trung Quốc vào thiết bị sản xuất chip không chỉ đến từ các nhà sản xuất chip hàng đầu như Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC), mà còn từ các nhà sản xuất chip vừa và nhỏ đang tích cực tham gia cuộc đua này.
"Hiện có ít nhất 10 nhà sản xuất chip cấp hai cũng đang đẩy mạnh việc mua sắm thiết bị, góp phần thúc đẩy tổng chi tiêu của Trung Quốc," Tseng cho biết.
Trung Quốc là quốc gia duy nhất tiếp tục gia tăng chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Bắc Mỹ đều giảm chi tiêu cho lĩnh vực này so với cùng kỳ năm trước.
Ngành công nghiệp bán dẫn tăng trưởng khoảng 20% trong năm nay, chủ yếu nhờ nhu cầu hồi phục đối với chip nhớ và sự bùng nổ nhu cầu chip phục vụ trí tuệ nhân tạo. Các lĩnh vực khác chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn từ 3% đến 5%, do thị trường chip ô tô và công nghiệp đang điều chỉnh.
"Chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến thêm mức tăng trưởng 20% vào năm 2025, đây sẽ là một năm đáng chú ý nữa đối với chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip," Tseng nhận định.
Trung Quốc hiện là nguồn doanh thu lớn nhất của các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới. Thị trường này chiếm từ 32% đến 44% doanh thu của các hãng như Applied Materials, Lam Research và KLA của Mỹ trong các báo cáo tài chính quý gần đây nhất. Đối với Tokyo Electron của Nhật Bản, Trung Quốc thậm chí chiếm tới 49,9% doanh thu quý 2, trong khi ASML của Hà Lan đạt được 49% doanh thu từ thị trường này.
Làn sóng mua sắm không ngừng của Trung Quốc đã đẩy tỷ lệ đầu tư vốn của ngành công nghiệp chip lên trên 15% trong bốn năm liên tiếp kể từ năm 2021. Tỷ lệ này, tương tự như doanh số bán chất bán dẫn toàn cầu, là chỉ báo quan trọng về sự cân bằng cung-cầu trong ngành công nghiệp này.
"Trong 30 năm qua, tỷ lệ đầu tư vốn dưới 15%, nhưng hiện tại, con số trên 15% có thể trở thành tiêu chuẩn mới," Tseng nhận định, đồng thời cảnh báo rằng tỷ lệ quá cao có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Dù vậy, Tseng cho biết SEMI kỳ vọng tổng chi tiêu cho việc xây dựng các nhà máy mới tại Trung Quốc sẽ 'bình thường hóa' trong hai năm tới.
Theo Nikkei Asia