Kinh tế Hàn Quốc gần như tăng trưởng 0% trong quý III
(Thị trường tài chính) - Với việc chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi nhưng xuất khẩu lại giảm, nền kinh tế của "xứ sở kim chi" hầu như không tăng trưởng trong quý III và không đạt được kỳ vọng của thị trường.
Theo ước tính của Ngân hàng Hàn Quốc công bố hôm thứ Năm (24/10), trong quý III/2024 (từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 0,1% so với quý trước đó theo cơ sở điều chỉnh theo mùa.
Chừng đó vẫn là đủ để nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tránh được suy thoái, điều thường được định nghĩa là hai quý liên tiếp suy giảm, sau khi nền kinh tế nước này giảm sút 0,2% trong quý II.
Tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc ở quý III/2024 yếu hơn nhiều so với mức tăng 0,5% theo cuộc thăm dò ý kiến từ các nhà kinh tế được Reuters khảo sát và dự kiến của Ngân hàng Trung ương trong dự báo hàng quý được công bố vào tháng 8.
Tiêu dùng tư nhân tăng 0,5% trong quý này, sau khi giảm 0,2% trong quý trước. Trong khi ấy, đầu tư xây dựng giảm 2,8%, trong khi đầu tư doanh nghiệp tăng 6,9%.
Đáng chú ý, xuất khẩu của Hàn Quốc trong quý III/2024 giảm 0,4% và đây là lần đầu tiên, lĩnh vực này chứng kiền sự sụt giảm kể từ quý IV/2022, trong khi nhập khẩu tăng 1,5%.
Tháng này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ giữa năm 2020 và cho biết vẫn còn dư địa để giảm thêm, mặc dù thời điểm nới lỏng thêm sẽ được cân nhắc cẩn thận.
Trên cơ sở hàng năm, nền kinh tế của “xứ sở kim chi” tăng trưởng 1,5%, vẫn yếu hơn mức 2,3% của quý trước và kỳ vọng 2% của các nhà kinh tế. Đây là tốc độ tăng chậm nhất của kinh tế Hàn Quốc kể từ quý III/2023.
Tăng trưởng yếu là một trở ngại đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và có thể gây áp lực lên đồng won, vốn đã suy yếu gần 5% so với USD trong tháng này, vì ước tính cả năm của ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã bị hạ xuống.
“Dữ liệu tăng trưởng kinh tế yếu hơn dự kiến có thể làm tăng khả năng thực hiện chu kỳ cắt giảm lãi suất trước, chẳng hạn như cắt giảm liên tiếp vào tháng 11”, Kim Jin-wook, một nhà kinh tế tại ngân hàng Citi cho biết. “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng BOK có thể duy trì chế độ “chờ đợi và xem xét” trong một thời gian khi xem xét mức tăng đột biến gần đây của tỷ giá đồng USD so với đồng won".
"Rõ ràng là động lực xuất khẩu, vốn hỗ trợ nền kinh tế, đã suy yếu, trong khi vẫn còn quá sớm để nói rằng nhu cầu trong nước đang phục hồi", Park Sang-hyun, một nhà kinh tế tại iM Securities, cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cho biết dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến và kêu gọi theo dõi chặt chẽ các yếu tố bên trong và bên ngoài, đề xuất Chính phủ nước này nên chuẩn bị các biện pháp ứng phó.
Vào tháng 7, Chính phủ đã cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và ngành xây dựng đang phải vật lộn với lãi suất cao.
Ngân hàng Hàn Quốc đã hạ ước tính cả năm từ 2,5% xuống 2,4% vào tháng 8 và cho biết con số này có thể còn kém hơn thế nữa vì "điều này khó mà đạt được". Ngân hàng này sẽ điều chỉnh dự báo kinh tế hàng quý vào tháng 11.
"Nhưng khi nói đến chính sách tiền tệ, điều đó không nhất thiết có nghĩa là phải cắt giảm lãi suất ngay lập tức, vì chính khu vực bên ngoài, chứ không phải khu vực trong nước, đã làm sụt giảm con số chính", ông Park cho biết. Ông hy vọng ngân hàng Trung ương sẽ hạ lãi suất dần dần với lần cắt giảm tiếp theo vào quý đầu tiên của năm 2025.
Tháng này, ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ giữa năm 2020 và để ngỏ khả năng nới lỏng thêm, mặc dù ngân hàng này cho biết thời điểm thực hiện bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào nữa sẽ được cân nhắc cẩn thận trong bối cảnh lo ngại về rủi ro tài chính gia tăng.
Theo Reuters/CNBC/U.S.News