HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Jeju Air đối mặt khủng hoảng toàn diện sau thảm họa hàng không: Cổ phiếu lao dốc, 68.000 vé bị hủy trong 24h

Thanh Lê

(Thị trường tài chính) - Một số lượng lớn vé của Jeju Air đã bị hủy trong khoảng 24 giờ sau thảm họa máy bay Jeju Air xảy ra tại Sân bay Quốc tế Muan.

Vào sáng ngày 29/12/2024, một thảm kịch hàng không đã xảy ra tại Sân bay Quốc tế Muan, tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc, cách Seoul khoảng 288km về phía Tây Nam. Máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không giá rẻ Jeju Air đã gặp nạn khi hạ cánh. 

Jeju Air đối mặt khủng hoảng toàn diện sau thảm họa hàng không: Cổ phiếu lao dốc, 68.000 vé bị hủy trong 24h - ảnh 1
Khoảng 68.000 vé bị hủy trong khoảng 24 giờ sau thảm họa

Do sự cố với hệ thống hạ cánh, máy bay không thể thả càng đáp và phải hạ cánh bằng bụng, trượt trên đường băng và đâm vào tường bê tông ở rìa sân bay, gây ra vụ cháy dữ dội, khiến 179 trong tổng số 181 người trên máy bay thiệt mạng. 

Đây là vụ tai nạn hàng không gây chết người đầu tiên của Jeju Air kể từ khi hãng được thành lập vào năm 2005. Trước sự cố này, Jeju Air là hãng hàng không giá rẻ được khách hàng ưa chuộng nhất tại Hàn Quốc trong nhiều năm liền, đứng đầu Chỉ số Hài lòng Khách hàng Quốc gia (NCSI) từ năm 2018. 

Theo thông tin từ hãng, trong khoảng thời gian từ 12 giờ sáng ngày 29/12 đến 1 giờ chiều ngày 30/12 (giờ địa phương), đã có khoảng 68.000 lượt hủy vé, bao gồm khoảng 33.000 chuyến bay nội địa và 34.000 chuyến bay quốc tế. Ngay sau sự cố, Jeju Air đã đóng trang đặt chỗ trên trang web của họ. 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Jeju Air đã giảm 15,7% xuống mức thấp nhất kể từ khi niêm yết năm 2015, trong khi cổ phiếu của công ty mẹ AK Holdings cũng giảm 12%, mức thấp nhất trong 16 năm.

Trước tình hình này, quyền Tổng thống Hàn Quốc, ông Choi Sang-mok, đã yêu cầu rà soát khẩn cấp vấn đề an toàn tại tất cả các hãng hàng không sau khi hoàn tất công tác cứu hộ tại hiện trường vụ tai nạn. 

Jeju Air, được thành lập năm 2005, là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên và lớn nhất tại Hàn Quốc. Trước sự cố này, hãng đã vận chuyển 12,3 triệu lượt hành khách trong năm 2023 và dự kiến doanh thu gần 1,5 tỷ USD trong năm 2024. 

Hãng khai thác 62 đường bay với 44 điểm đến tại châu Á Thái Bình Dương, bao gồm nhiều thành phố của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt và Phú Quốc. 

Vụ tai nạn đã gây chấn động cả trong và ngoài Hàn Quốc, dẫn đến việc hủy bỏ nhiều sự kiện và lễ trao giải tại Hàn Quốc. Đài MBC đã thông báo hủy phát sóng sự kiện thảm đỏ và lễ trao giải sau tai nạn. Quyền Tổng thống cũng tuyên bố quốc tang trong 7 ngày để tưởng niệm các nạn nhân vụ rơi máy bay, bắt đầu từ ngày 29/12 và kéo dài đến hết ngày 4/1/2025.

Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, bao gồm khả năng va chạm với chim gây hư hỏng hệ thống hạ cánh, đồng thời thu hồi các hộp đen của máy bay để phục vụ cho công tác điều tra. 

Theo Yonhap