Hiểm họa y tế nguy hiểm hơn cả ung thư, có thể khiến 10 triệu người thiệt mạng mỗi năm
(Thị trường tài chính) - Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng nghiêm trọng, với hơn 1 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới và có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2050, vượt xa số người tử vong do ung thư.
Ông Ara Darzi, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Vương quốc Anh (2007 - 2009), hiện là Giám đốc Viện Đổi mới Y tế Toàn cầu tại Đại học Imperial College London và Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Y khoa Fleming Initiative, vừa đưa ra cảnh báo về một hiểm họa y tế có thể gây ra nhiều cái chết hơn ung thư và đe dọa trở thành đại dịch toàn cầu trong tương lai.
Kháng thuốc kháng sinh (Antimicrobial resistance - AMR) là tình trạng khi vi khuẩn trở nên kháng lại hoặc không còn nhạy cảm với các loại thuốc kháng sinh từng hiệu quả trong việc tiêu diệt hoặc kiểm soát chúng.
Điều này xảy ra khi vi khuẩn phát triển những cơ chế giúp chúng sống sót và sinh sôi ngay cả khi được điều trị bằng kháng sinh. Kết quả là các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra trở nên khó điều trị hơn, kéo dài thời gian mắc bệnh, và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Kháng thuốc kháng sinh xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm việc sử dụng kháng sinh quá mức hoặc không đúng cách (như tự ý dùng mà không có chỉ định bác sĩ, không hoàn thành đủ liều lượng), cũng như việc sử dụng kháng sinh rộng rãi trong chăn nuôi và nông nghiệp.
Kháng sinh thường được kê đơn vì giá thành rẻ và không gây tác hại ngay lập tức. Nhưng khi vi khuẩn kháng thuốc phát triển, những bệnh truyền nhiễm đơn giản có thể trở nên nghiêm trọng hơn nhiều và khó kiểm soát, tạo ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Hiểm họa đe dọa sức khỏe toàn cầu
Theo ông Darzi, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ngày nay, các bệnh nhiễm trùng không thể chữa khỏi do vi khuẩn kháng thuốc gây ra đã dẫn đến hơn 1 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2050, vượt xa số người tử vong do ung thư.
Trước tình hình này, Liên Hợp Quốc sẽ họp trong tuần tới để thảo luận về mối đe dọa toàn cầu này, nhằm ngăn chặn nhân loại rơi vào thời kỳ "hậu kháng sinh", khi những bệnh nhiễm trùng đơn giản cũng có thể gây tử vong và các ca phẫu thuật thông thường trở nên quá nguy hiểm.
Ông Darzi kêu gọi đặt ra một mục tiêu táo bạo: Đến năm 2030, không có loại kháng sinh nào được kê đơn nếu không có chẩn đoán xác định rõ nhiễm trùng do vi khuẩn. Đây là mục tiêu đòi hỏi sự hợp tác chưa từng có, đầu tư vào công nghệ chẩn đoán và sự thay đổi trong hoạt động kê đơn trên toàn cầu.
Thách thức về chẩn đoán và sử dụng thuốc
Hiện nay, việc sử dụng kháng sinh sai lệch phần lớn do bác sĩ phải đưa ra quyết định mà không có đủ thông tin. Thuốc kháng sinh chỉ hiệu quả đối với các bệnh do nhiễm trùng vi khuẩn, nhưng ước tính có ít nhất 20% đơn thuốc không phù hợp. Tại một số nơi, kháng sinh thậm chí còn được mua bán mà không cần đơn thuốc, vi phạm các nguyên tắc cơ bản về an toàn y tế.
Giải pháp được đề xuất là phát triển các xét nghiệm nhanh như xét nghiệm COVID-19, giúp bệnh nhân và bác sĩ biết rõ loại bệnh đang điều trị. Một bước tiến đáng kể đã được thực hiện khi công ty Sysmex Astrego của Thụy Điển phát triển xét nghiệm có khả năng phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu trong vòng 15 phút và đưa ra loại kháng sinh phù hợp trong 45 phút.
Việc phổ biến các xét nghiệm chẩn đoán nhanh, giá cả phải chăng có thể cách mạng hóa giám sát bệnh tật, giúp cung cấp bức tranh thời gian thực về sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng và kháng thuốc. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh và đưa ra các biện pháp điều trị kịp thời.
Để đối phó với khủng hoảng kháng thuốc, việc dân chủ hóa chẩn đoán là cần thiết. Xét nghiệm tại chỗ đã từng biến đổi cách chăm sóc HIV, cho phép ngăn chặn sự lây truyền và ngăn ngừa AIDS. Cũng như HIV, kháng kháng sinh cần được coi là một trách nhiệm toàn cầu.
Phong trào cần được triển khai trên toàn cầu
Cuộc chiến chống lại kháng thuốc không thể chỉ dựa vào khoa học. Ngoài việc phát triển các loại kháng sinh mới, việc thay đổi hành vi sử dụng kháng sinh cũng quan trọng không kém. Ông Darzi nhấn mạnh cần có một phong trào toàn cầu để bảo vệ nhân loại khỏi mối đe dọa ngày càng lớn này.
Sáng kiến Fleming, chương trình y tế do ông Darzi chủ trì, là một nỗ lực hợp tác nhằm giải quyết vấn đề kháng thuốc, thúc đẩy đổi mới trong nghiên cứu, công nghệ và chính sách. Tổ chức này cũng hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng, thu hút sự tham gia của bệnh nhân, bác sĩ, nông dân và nhiều thành phần khác.
Ba đối tác mới - LifeArc, Cepheid và Optum - đã cam kết tài trợ thêm và nguồn lực cho nỗ lực toàn cầu của Sáng kiến Fleming nhằm chống lại hiểm họa y tế này.
Dù Liên Hợp Quốc đã có động thái ngăn chặn kháng thuốc từ tám năm trước, tiến triển vẫn còn hạn chế. Các loại kháng sinh đã đóng vai trò quan trọng trong tiến bộ y tế suốt 100 năm qua và điều cấp thiết là phải bảo vệ hiệu quả của chúng trong 100 năm tới.
Theo The Economist