Hãng hàng không giá rẻ tiên phong ở Mỹ nộp đơn phá sản sau 5 năm lỗ triền miên
(Thị trường tài chính) - Spirit Airlines vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau một thời gian dài đối mặt với thua lỗ, nợ nần và áp lực cạnh tranh gay gắt từ các hãng hàng không khác. Hãng hàng không này cho biết sẽ tiếp tục hoạt động trong khi tái cấu trúc nợ.
“Khách hàng có thể tiếp tục đặt vé và bay mà không bị gián đoạn và có thể sử dụng tất cả các vé, tín dụng và điểm thưởng như bình thường”, hãng hàng không cho biết trong thông báo.
Động thái này không phải là hiếm gặp trong ngành hàng không Mỹ. Trong 25 năm qua, hầu hết các hãng hàng không lớn, bao gồm ba hãng đầu ngành là American Airlines, United và Delta đã từng nộp đơn xin phá sản, nhưng sau đó phục hồi mạnh mẽ.
Spirit đã lỗ hơn 2,2 tỷ USD kể từ đầu năm 2020. Công ty tin rằng thông qua việc xin bảo hộ phá sản và đàm phán với chủ nợ, họ có thể tái cấu trúc nợ hiệu quả và khởi đầu năm mới với tình hình tài chính ổn định hơn. Các chủ nợ đã đồng ý hỗ trợ thêm 300 triệu USD để duy trì hoạt động trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, cũng có khả năng Spirit sẽ bị mua lại bởi một hãng hàng không khác hoặc buộc phải thanh lý tài sản. Nhiều hãng hàng không, bao gồm cả American, đã phải bán một số tài sản sau khi nộp đơn phá sản và sáp nhập với các hãng khác.
Spirit hiện có khoảng 13.000 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian, cùng 8.000 nhà thầu độc lập và nhân viên tạm thời. Bộ Tài chính Mỹ là chủ nợ lớn thứ hai với khoản nợ 136 triệu USD, có nguồn gốc từ chương trình hỗ trợ trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19. Trước đó, hãng đã cố gắng sáp nhập với Frontier Airlines và JetBlue Airways nhưng không thành công do vướng các quy định chống độc quyền.
Trong những năm gần đây, Spirit đã cố gắng thực hiện hai cuộc sáp nhập, một với Frontier Airlines và một với JetBlue Airways, trong đó JetBlue đã vượt qua Frontier nhưng cuối cùng việc mua lại bị chặn bởi một thẩm phán Liên bang vì lý do chống độc quyền.
Spirit nổi tiếng với giá vé cơ bản rất thấp. Trung bình trong năm nay giá vé khứ hồi của hãng chỉ ở mức 136 USD, thấp hơn 61% so với mức trung bình ngành và thấp hơn 69% so với bốn hãng hàng không lớn nhất Mỹ. Tuy nhiên, mô hình này cũng dẫn đến nhiều khiếu nại từ khách hàng, khiến Spirit và Frontier đứng cuối bảng trong khảo sát sự hài lòng của JD Power.
Các vấn đề của Spirit có thể khiến giá vé trên toàn ngành tăng lên. Mô hình giá vé thấp của Spirit đã thúc đẩy các hãng hàng không lớn cũng cung cấp các ghế hạng “kinh tế cơ bản” không có tiện nghi trên máy bay. Nếu hãng phải cắt giảm đường bay hoặc bị mua lại, áp lực giảm giá vé sẽ giảm đi đáng kể.
Việc Spirit nộp đơn phá sản có thể mở ra cơ hội mới cho các thương vụ sáp nhập. Khác với lần trước, một thỏa thuận mua lại và sáp nhập với hãng hàng không lớn hơn có thể sẽ thuận lợi hơn do tình trạng phá sản tạo điều kiện cho việc thanh lý. Thêm vào đó, với khả năng Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump được dự đoán sẽ không quá nghiêm ngặt về các quy định chống độc quyền như chính quyền Biden, cơ hội sáp nhập càng trở nên khả thi hơn.
Trong hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ tuần trước, Spirit cho biết đang tiến hành đàm phán "hiệu quả" với các chủ nợ để tái cấu trúc các khoản nợ đến hạn vào năm 2025 và 2026, trong bối cảnh tổng nợ dài hạn của hãng lên tới 3,1 tỷ USD.
Hậu quả của việc nộp đơn phá sản là cổ phiếu Spirit sẽ sớm bị hủy niêm yết khỏi Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và mất toàn bộ giá trị. Cổ phiếu của Spirit đã giảm tới 93% kể từ đầu năm.
Spirit là hãng tiên phong trong mô hình hàng không giá rẻ ở Mỹ, cung cấp giá vé cơ bản cực thấp nhưng tính phí thêm cho hầu hết các dịch vụ khác, bao gồm cả hành lý xách tay. Tuy nhiên, mô hình này đã gây ra nhiều bất mãn từ khách hàng, khiến Spirit và Frontier xếp cuối trong khảo sát hài lòng của JD Power.
Việc duy trì mô hình giá rẻ cũng gây lo ngại về khả năng tăng giá vé toàn ngành nếu hãng bị JetBlue mua lại, dẫn đến vụ kiện chống độc quyền từ Bộ Tư pháp.
Ngành hàng không Mỹ đã trải qua giai đoạn khó khăn trong hai năm đầu đại dịch với tổn thất hàng tỷ USD, dù đã nhận được hỗ trợ đáng kể từ Chính phủ. Trong khi các hãng lớn đã phục hồi từ năm 2022, các hãng nhỏ như Spirit vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Spirit ghi nhận khoản lỗ vận hành 360 triệu USD trong nửa đầu năm nay, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Để đối phó, hãng đã thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí như bán 23 máy bay Airbus, hoãn nhận máy bay mới và sa thải hàng trăm phi công, với kế hoạch tiếp tục cắt giảm nhân sự vào tháng Giêng tới.
Theo CNN