Được tăng lương gần 40% và thưởng hơn 170 triệu đồng, công nhân Boeing vẫn tiếp tục đình công
(Thị trường tài chính) - Động thái này là một đòn giáng mới vào Boeing, khi công ty đang đối mặt với khoản lỗ 6 tỷ USD và các cuộc khủng hoảng về an toàn.
Công nhân Boeing mới đây đã bỏ phiếu với 64% phản đối một thỏa thuận lao động mới, bao gồm mức tăng lương 35% trong 4 năm, theo thông tin từ công đoàn của họ vào ngày 23/10.
Quyết định này tiếp tục kéo dài cuộc đình công hơn 5 tuần đã làm gián đoạn hầu hết hoạt động sản xuất máy bay của công ty, tập trung chủ yếu tại khu vực Seattle (Mỹ).
Sự từ chối là một thất bại lớn khác đối với Boeing, công ty trước đó đã cảnh báo họ sẽ vẫn chịu lỗ tiền mặt đến năm 2025 và báo cáo khoản lỗ 6 tỷ USD trong quý vừa rồi - mức lớn nhất kể từ năm 2020.
CEO mới Kelly Ortberg nhấn mạnh việc đạt được thỏa thuận với công nhân là ưu tiên hàng đầu để đưa công ty trở lại đúng hướng sau các cuộc khủng hoảng về an toàn và chất lượng.
Hơn 32.000 người lao động của Boeing tại khu vực Puget Sound, Oregon và các địa điểm khác đã nghỉ việc vào ngày 13/9 sau cuộc bỏ phiếu với đa số áp đảo bác bỏ một thỏa thuận tạm thời trước đó, đề xuất mức tăng lương 25%.
Được biết Công đoàn Quốc tế về Công nhân Cơ khí và Công nhân Hàng không Vũ trụ (IAMAW) ban đầu đã yêu cầu mức tăng lương 40%. Đây là cuộc đình công đầu tiên của công nhân Boeing kể từ năm 2008.
Đề xuất mới nhất, được công bố vào cuối tuần trước, bao gồm mức tăng lương 35% trong 4 năm, tăng đóng góp vào quỹ hưu trí 401(k), khoản tiền thưởng 7.000 USD (khoảng 178 triệu đồng) và một số cải tiến khác.
Công nhân đã thúc đẩy mức lương cao hơn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng vọt ở khu vực Puget Sound. Một số người lao động không hài lòng vì đã mất chế độ lương hưu trong hợp đồng trước đó mà họ ký vào năm 2014, và hợp đồng mới này cũng không có chế độ lương hưu.
Trong hợp đồng mới, Boeing đồng ý xây dựng dòng máy bay tiếp theo của mình tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Đây cũng là điểm gây tranh cãi với các công nhân trong công đoàn sau khi Boeing chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất máy bay 787 Dreamliner sang một nhà máy không thuộc công đoàn ở Nam Carolina.
Cuộc tranh chấp lao động này là vấn đề mới nhất trong danh sách dài các vấn đề tại Boeing, bắt đầu vào năm nay khi một tấm cửa phụ bị bung ra giữa không trung từ một chiếc Boeing 737 Max 9 - chiếc máy bay bán chạy nhất của hãng - khiến cơ quan quản lý tăng cường giám sát kỹ lưỡng công ty.
Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh Boeing đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất máy bay 737 và các loại máy bay khác.
Theo CNBC