HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Dòng vốn bị rút ra ồ ạt khỏi nền kinh tế Nhật Bản khiến đồng yên suy yếu

Thanh Lê

(Thị trường tài chính) - Đồng yên từng đạt đỉnh 14 tháng so với USD vào tháng 9 do các nhà giao dịch thanh lý các khoản vay yên để đầu tư, tuy nhiên sau đó đã giảm khoảng 10%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự suy yếu dai dẳng của đồng yên Nhật chủ yếu do khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng rộng, đặc biệt khi có khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện các chính sách thúc đẩy lạm phát. Bên cạnh đó, các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Trong quý III, Nhật Bản ghi nhận thặng dư cán cân thanh toán 8,97 nghìn tỷ yên (tương đương 57,5 tỷ USD), nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp ra nước ngoài còn lớn hơn.

 
Dòng vốn bị rút ra ồ ạt khỏi nền kinh tế Nhật Bản khiến đồng yên suy yếu - ảnh 1

Đồng yên từng đạt đỉnh 14 tháng so với USD vào tháng 9 do các nhà giao dịch thanh lý các khoản vay yên để đầu tư, tuy nhiên sau đó đã giảm khoảng 10%.

"Các khoản đầu tư trực tiếp và đầu tư qua danh mục đang bù đắp thặng dư cán cân thanh toán, hạn chế tiềm năng tăng giá của đồng yên", ông Shusuke Yamada, Trưởng chiến lược tiền tệ và lãi suất tại Ngân hàng Bank of America ở Tokyo, cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng phần lớn thặng dư này đến từ thu nhập chính và được tái đầu tư ra nước ngoài, do đó việc chỉ nhìn vào cán cân thanh toán thường xuyên có thể gây hiểu nhầm.

Trong quý III, Nhật Bản đạt thặng dư kỷ lục 12,2 nghìn tỷ yên, chủ yếu nhờ lợi nhuận từ đầu tư. Khoản thặng dư này đã bù đắp thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, theo ông Hideki Shibata, Chiến lược gia tại Tokai Tokyo Intelligence Laboratory, thâm hụt thương mại đang buộc Nhật Bản  phải bán ra đồng yên để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ, và xu hướng này có thể tiếp diễn.

Một điểm đáng chú ý là mức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản thuộc hàng thấp nhất trong các nền kinh tế lớn.

“Rào cản gia nhập cho các công ty nước ngoài ở Nhật Bản khá cao”, ông Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu NLI ở Tokyo, cho biết. “Môi trường kinh doanh khá phức tạp đối với các công ty nước ngoài khi bắt đầu hoạt động ở Nhật Bản, và do tỷ lệ tăng trưởng của Nhật Bản thấp, thị trường sẽ không mở rộng”.

Từ năm 1996, dòng vốn đầu tư trực tiếp rút khỏi Nhật Bản thường xuyên vượt dòng vốn vào. Theo phân tích dựa trên dữ liệu IMF, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Nhật chỉ chiếm 8,3% GDP (tính đến cuối tháng 6), thấp nhất trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, so với 57% tại Mỹ.

Tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Nhật Bản đã chững lại trong hai thập kỷ qua, chỉ đạt 0,6% trong lần đo gần nhất theo ước tính của ngân hàng trung ương. Điều này càng thúc đẩy xu hướng rút vốn ra nước ngoài.

Mặc dù Nhật Bản thu hút được nhiều vốn đầu tư gián tiếp, nhưng theo ông Hirofumi Suzuki, trưởng chiến lược gia ngoại hối tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui, “phần lớn dòng vốn này không làm tăng giá đồng yên do đã được phòng ngừa rủi ro tiền tệ và mang tính đầu cơ nhiều hơn là đầu tư dài hạn”.

Với mức lãi suất của Nhật thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế khác, việc phòng ngừa rủi ro khi đồng yên yếu mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư nước ngoài, trừ khi đồng yên tăng mạnh để bù đắp chênh lệch lãi suất. 

“Rất ít cơ hội đầu tư trong nước, có nghĩa là phần lớn cổ tức và dòng vốn từ nước ngoài lại được tái đầu tư ra bên ngoài”, ông Shibata từ Tokai Tokyo cho biết.

Theo BNN

 

Ý kiến bạn đọc