HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

'Đại dịch' khiến siêu cường châu Á lao đao: 340.000 người bị ảnh hưởng, chi 300 triệu USD vẫn không thể cứu vãn

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Thành phố Seoul vừa công bố kế hoạch can thiệp toàn diện 322 triệu USD nhằm chống lại tình trạng cô đơn đang lan rộng, ăn sâu bám rễ trong xã hội Hàn Quốc.

Hàng năm, hàng ngàn người Hàn Quốc – chủ yếu là đàn ông trung niên – chết lặng lẽ và cô đơn, không còn mối liên hệ nào với gia đình và bạn bè. Đôi khi các lực lượng chức năng phải mất nhiều ngày, hoặc thậm chí nhiều tuần, để tìm thấy thi thể của họ sau khi mất tích. 

Số liệu đáng buồn này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm: “Đại dịch cô đơn” đang hoành hành trong xã hội ngày càng phát triển nhanh của Hàn Quốc.

Theo số liệu chính thức, khoảng 340.000 người trong độ tuổi 19 - 39, chiếm tương đương 3,1% dân số, đang sống trong tình trạng cô lập hoàn toàn. Mức độ nghiêm trọng của vấn đề được phản ánh qua xu hướng gia tăng số ca "godoksa" - những cái chết cô độc, từ 3.378 ca năm 2021 lên 3.661 ca năm 2023.

'Đại dịch' khiến siêu cường châu Á lao đao: 340.000 người bị ảnh hưởng, chi 300 triệu USD vẫn không thể cứu vãn - ảnh 1
Điều gì đã đẩy những người trẻ Hàn Quốc ra khỏi xã hội và đi đến những quyết định như "godoksa"?

 

Trước tình hình này, chính quyền thành phố Seoul vừa công bố sáng kiến mang tên "Seoul Không Cô Đơn" - một kế hoạch toàn diện với mức đầu tư 322 triệu USD nhằm đối phó với đại nạn cô lập xã hội đang hoành hành.

Theo đó, những người cô đơn sẽ được hỗ trợ thông qua đường dây tư vấn tâm lý 24/7 và được khuyến khích tham gia các sự kiện cộng đồng, tăng khả năng giao tiếp xã hội. Thành phố Seoul cũng cung cấp các ưu đãi và phần thưởng cho những người tham gia các hoạt động nhóm, hỗ trợ tâm lý và tư vấn chuyên sâu

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng đây không phải là giải pháp có thể giải quyết triệt để vấn đề. Nguyên nhân sâu xa nằm ở áp lực cuộc sống, môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt, gánh nặng tài chính và hệ thống xã hội Hàn Quốc được ví von như "Địa ngục Joseon" với những quy chuẩn nghiêm ngặt.

Báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho thấy tác động tiêu cực của cô đơn không chỉ dừng lại ở các vấn đề tâm lý cá nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động và sức khỏe cộng đồng.

Đáng chú ý, năm ngoái, Bộ Bình Đẳng Giới và Gia Đình của nước này đã triển khai chương trình hỗ trợ 500 USD/tháng cho thanh thiếu niên bị cô lập xã hội.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng khoản đầu tư 322 triệu USD này, mặc dù đáng ghi nhận, vẫn chưa chạm đến nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Họ kêu gọi cần có những giải pháp mang tính hệ thống, từ cải cách chính sách đến thay đổi văn hóa doanh nghiệp, hay ở mức độ căn bản hơn, từ hệ thống giáo dục và các nhà trường.

Gốc rễ của nỗi cô đơn trong xã hội Hàn Quốc

Các chuyên gia tâm lý và xã hội học nhận định, dù kế hoạch “Seoul không cô đơn” của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đối phó với nạn cô đơn là một bước đi tích cực, nhưng chưa phải giải pháp toàn diện.

Eva Chen, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa (Đài Loan, Trung Quốc), cho rằng để giải quyết triệt để vấn đề, Hàn Quốc cần đối mặt với văn hóa cạnh tranh khốc liệt bắt đầu từ tuổi thơ. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, năm ngoái gần 80% trẻ em tham gia các chương trình giáo dục tư nhân, chi phí lên tới 19,4 tỷ USD cho các lớp học thêm và trường luyện thi.

"Hàn Quốc là một xã hội cực kỳ cạnh tranh. Áp lực này xuất hiện từ khi trẻ bước vào trường học chính thức và được phản ánh qua tỷ lệ tự tử cao của học sinh, đặc biệt so với các nước láng giềng", Chen cho biết.

Joonmo Son, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định với Business Insider: "Chính sách này có thể giúp những người cảm thấy bị cô lập và muốn thoát khỏi nỗi cô đơn. Tuy nhiên, với những người không muốn nhận hỗ trợ từ bên ngoài, nó có thể không thực sự hiệu quả".

Kee Hong Choi, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hàn Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết của "một cuộc cải cách toàn diện" trong hệ thống giáo dục để giảm tính cạnh tranh. Ông nói: "Áp lực và sự phán xét từ xã hội khiến nhiều người chai sạn về mặt cảm xúc và trở nên cá nhân chủ nghĩa".

Choi cảnh báo rằng các hình thức so sánh xã hội trong môi trường giáo dục không chỉ gây tổn thương tâm lý mà còn dẫn đến các triệu chứng trầm cảm và lo âu xã hội.

Ông Son nhấn mạnh, vấn đề cần quan tâm là chính sách này không nhằm ngăn chặn sự cô đơn từ gốc rễ, mà chỉ tập trung giảm thiểu các trường hợp "cái chết cô đơn" trong nhóm người bị cô lập.

Năm 2023, Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ tự tử 27,3 trên 100.000 người – cao nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chen chỉ ra rằng môi trường cạnh tranh khốc liệt có thể khiến con người trở nên khép kín và dễ rơi vào cô lập xã hội.

'Đại dịch' khiến siêu cường châu Á lao đao: 340.000 người bị ảnh hưởng, chi 300 triệu USD vẫn không thể cứu vãn - ảnh 2
Người dân thành phố Seoul bên sông Hán - Nguồn: Reuters

 

“Đại dịch cô đơn” tại Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn đặt ra thách thức lớn về mặt xã hội và kinh tế.

Sohyun Kim, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hàn Quốc, khẳng định: "Cô đơn là một trong những vấn đề cấp bách nhất về xã hội và kinh tế mà Hàn Quốc phải đối mặt". Bà chỉ ra rằng, nhiều người cô đơn đang gặp khó khăn tài chính, làm giảm năng suất lao động và tăng nguy cơ bị cô lập.

Sự cô lập xã hội trong giới trẻ có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Năm 2023, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc chỉ đạt 0,72, thấp nhất thế giới, và tại Seoul, con số này còn giảm xuống 0,55. Dân số nước này được dự báo sẽ giảm một nửa vào năm 2100 nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn.

Giáo sư Chen từ Đại học Thanh Hoa nhận định: "Những người chịu ảnh hưởng từ những sang chấn tâm lý do cô đơn giữa xã hội ngày nay thường ít khả năng lập gia đình hơn, tạo ra áp lực lớn cho Hàn Quốc trong việc duy trì lực lượng lao động và thế hệ trẻ tương lai".

Chính quyền Seoul đang triển khai nhiều chương trình khuyến khích sinh đẻ nhằm đảo ngược xu hướng, nhưng hiệu quả vẫn là câu hỏi lớn. Sáng kiến "Seoul Không Cô Đơn" dù là một bước tiến lớn nhưng vẫn chỉ là "giọt nước trong đại dương những thách thức xã hội sâu xa của Hàn Quốc". Câu hỏi lớn vẫn còn bị bỏ ngỏ: Liệu một chính sách có thể thay đổi được một nền văn hóa?

Theo Business Insiders