Circle K chi 33 tỷ USD 'thâu tóm' 7-Eleven: Chuỗi cửa hàng tiện lợi 'quốc dân' có gì?
(Thị trường tài chính) - Couche-Tard, nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K, đã đề nghị mua lại Seven & i - một đối thủ có quy mô lớn hơn từ Nhật Bản và là chủ sở hữu chuỗi cửa hàng 7-Eleven.
Bất kỳ ai từng bước vào một cửa hàng 7-Eleven ở Nhật Bản để mua một món ăn nhanh hoặc rút tiền từ ATM đều hiểu lý do tại sao Alimentation Couche-Tard lại muốn trả hàng tỷ đô la để mua lại doanh nghiệp này.
Cũng giống như ô tô, điện tử và đường sắt, chuỗi cửa hàng tiện lợi này, vốn xuất phát từ phương Tây, đã được người Nhật cải tiến đến gần như hoàn hảo. Sau khi đưa mô hình này đến Nhật Bản, 7-Eleven đã phát triển thành một đế chế bán lẻ trị giá 5 nghìn tỷ yên (khoảng 34 tỷ USD), đóng góp vào thành công của Seven & i Holdings Co.
Couche-Tard, công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K, một công ty nhỏ hơn tại Canada, đang bày tỏ tham vọng lớn khi đề xuất mua lại “ông lớn” Seven & i. Động thái này được đưa ra sau khi nhà đầu tư chủ động ValueAct Capital Management thúc đẩy Seven & i tập trung vào mở rộng toàn cầu cho thương hiệu 7-Eleven. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về giá cả, phương thức tài trợ hay cấu trúc của thương vụ này.
Việc thành công mang tiêu chuẩn và chất lượng cao của các cửa hàng tiện lợi Nhật Bản, điển hình như FamilyMart và Lawson, đến thị trường Bắc Mỹ có thể làm sống lại trải nghiệm mua sắm tại các cửa hàng nhỏ, vốn đang dần trở nên lỗi thời và kém hấp dẫn với người tiêu dùng.
"Tôi muốn các cửa hàng này được điều hành bởi một công ty Nhật Bản vì họ hiểu rõ sở thích và nhu cầu của chúng tôi, đồng thời sản phẩm có giá cả phải chăng", bà Kirina, một khách hàng trung niên tại cửa hàng 7-Eleven ở Asakusa, Tokyo chia sẻ. "Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bị mua lại cũng có thể là một lựa chọn đúng đắn để các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường sức mạnh tài chính và mở rộng hoạt động quốc tế".
Ryuichi Isaka, Giám đốc điều hành của Seven & i, hiểu rõ điều này hơn ai hết. Ông đã chi hơn 25 tỷ USD trong vài năm qua để mở rộng đế chế cửa hàng tiện lợi của mình ra ngoài Nhật Bản, nơi dân số đang giảm và thị trường đã bão hòa. Điển hình là việc mua lại các hệ thống trạm xăng Speedway và Sunoco tại Bắc Mỹ, đồng thời tiếp tục mở rộng chuỗi 7-Eleven tại châu Á. Hiện tại, Seven & i sở hữu và quản lý tổng cộng 85.000 cửa hàng tiện lợi, trạm xăng và các điểm bán lẻ khác.
Trong khi đó Couche-Tard chỉ sở hữu khoảng 16.700 cửa hàng nhưng lại được định giá cao hơn đáng kể, ước tính khoảng 58,5 tỷ USD. Điều này cho thấy thị trường vẫn nghi ngờ về hiệu quả của các nỗ lực cải tổ của Isaka.
Mark Chadwick, một nhà phân tích độc lập, nhận định rằng đề nghị mua lại “đã thể hiện Seven & i bị định giá thấp so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu".
Ông cho rằng có thể có nhiều lựa chọn chiến lược, chẳng hạn như việc công ty Canada nắm quyền kiểm soát hoàn toàn, bán các tài sản không cốt lõi hoặc hợp tác với một đối tác Nhật Bản để tái niêm yết 7-Eleven như một công ty độc lập.
Seven & i có nguồn gốc từ một cửa hàng quần áo gia đình nhỏ tên Yokado, được thành lập tại Tokyo vào năm 1920. Nhà bán lẻ này, khi đó được biết đến với tên Ito-Yokado, đã phát triển nhanh chóng trong giai đoạn phục hồi sau chiến tranh của Nhật Bản.
Năm 1974, rong một chuyến đi đến Mỹ để đàm phán về thỏa thuận đưa chuỗi nhà hàng bình dân Denny’s đến Việt Nam, một giám đốc trẻ của công ty Nhật Bản đã tình cờ phát hiện chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và ký kết một thỏa thuận với Southland Corp., chủ sở hữu khi đó, để mở cửa hàng đầu tiên tại Nhật Bản ngay trong năm đó.
Công ty đã củng cố mô hình này tại Nhật Bản, biến thành một “đế chế” bán lẻ với tài sản trải rộng từ cửa hàng bách hóa đến nhà hàng và mạng lưới ngân hàng. Cửa hàng tiện lợi đã trở thành trung tâm của mọi khu phố Nhật Bản, nơi bạn không chỉ mua đồ ăn mà còn có thể thanh toán hóa đơn, gửi hàng và truy cập dịch vụ công cộng 24/7.
Tại Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc), 7-Eleven cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công cộng. Những cửa hàng này luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng ngay cả trong những tình huống khẩn cấp như bão và động đất, đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong lòng người dân địa phương.
Isaka đang dần loại bỏ các hoạt động kinh doanh truyền thống kém hiệu quả, nhằm đáp ứng yêu cầu của Value Act. Năm ngoái, công ty đã bán chuỗi cửa hàng bách hóa Sogo & Seibu Co. cho Fortress Investment Group với giá trị doanh nghiệp khoảng 220 tỷ yên. Hiện tại, Isaka đang xem xét niêm yết và tách riêng Ito-Yokado, hoạt động kinh doanh cốt lõi ban đầu của công ty.
Giám đốc điều hành đang tập trung mở rộng thị trường tại Châu Âu và Hoa Kỳ. Ông chia sẻ rằng, kinh nghiệm của 7-Eleven trong việc cung cấp thực phẩm chất lượng cao với giá cả phải chăng có thể giúp nâng cấp các trạm xăng Speedway và Sunoco thành một trải nghiệm bán lẻ hoàn toàn mới.
Mục tiêu là chuyển hướng khỏi kinh doanh xăng dầu và thuốc lá - những ngành công nghiệp có thể nói là đang suy giảm dài hạn - và thu hút khách hàng theo cách tương tự như các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản.
"Yếu tố cốt lõi của chiến lược này là thực phẩm tươi mới," Isaka khẳng định trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi đang trong một ngành công nghiệp phải liên tục thích ứng với thị trường để duy trì và phát triển."
Mặc dù đã có sự tăng trưởng đáng kể theo tiêu chuẩn Nhật Bản, nhưng Isaka dường như vẫn đang di chuyển quá chậm đối với một số nhà đầu tư, những người có thể coi lời đề nghị của Couche-Tard là một cách nhanh chóng để nhận ra giá trị của 7-Eleven.
Việc sáp nhập hoạt động của hai công ty sẽ tạo ra một chuỗi hơn 100.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn cầu, trở thành chuỗi cửa hàng lớn nhất và rộng nhất thế giới.
Những thách thức đối với bất kỳ thỏa thuận nào, bao gồm cả tâm lý không muốn bị nước ngoài thâu tóm ở Nhật Bản và cơ quan quản lý chống độc quyền ở Hoa Kỳ, đều là rất lớn. Tuy nhiên, ngay cả những người tiêu dùng bình thường ở Nhật Bản cũng không thể phủ nhận sức hút của việc thống trị toàn cầu.
“Họ có một phong cách phục vụ hiếu khách rất đặc trưng của Nhật Bản, nên tôi lo lắng rằng điều đó có thể thay đổi,” Kita, một nhà phát triển phần mềm 20 tuổi, chia sẻ khi mua đồ ăn tại một cửa hàng gần ga Tokyo. “Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Nhật Bản, 7-Eleven nên mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế.”