‘Cha đẻ’ của xe điện: Các hãng xe phương Tây nên ‘copy’ Trung Quốc nếu muốn thành công
(Thị trường tài chính) - “Nếu trì hoãn quá trình chuyển đổi sang xe điện bằng cách kết hợp nó với xe hybrid, bạn sẽ mất khả năng cạnh tranh và tạo cơ hội để người Trung Quốc tiếp tục phát triển thị trường cũng như thúc đẩy vị thế dẫn đầu của họ. Tôi nghĩ rằng đó là một việc làm sai lầm”, Andy Palmer nói.
Cảnh báo từ “cha đẻ” của xe điện
Andy Palmer, cựu Giám đốc điều hành của Aston Martin và Nissan, chia sẻ với Business Insider rằng việc trì hoãn quá trình chuyển đổi sang xe điện (EV) và tập trung vào xe hybrid (dòng xe sử dụng kết hợp động cơ đốt trong và mô tơ điện) là một "nỗ lực vô ích". Ông cảnh báo rằng điều này có thể khiến các nhà sản xuất ô tô càng bị tụt hậu hơn so với các công ty xe điện Trung Quốc.
Palmer được mệnh danh là "cha đẻ của xe điện" nhờ vai trò của ông tại Nissan, nơi ông lãnh đạo dự án phát triển Nissan Leaf – chiếc xe điện đầu tiên trên thế giới được sản xuất hàng loạt, với hơn 500.000 chiếc đã bán ra kể từ khi ra mắt năm 2010.
Ông tiết lộ: "Dự án này được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ Toyota Prius”. Nhưng thay vì sao chép thành công dòng xe hybrid Prius, Palmer đã thuyết phục Nissan phát triển một chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện và nhận được sự ủng hộ từ CEO Carlos Ghosn khi đó.
Hơn một thập kỷ sau, Palmer tỏ ra nghi ngờ trước các nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả Aston Martin (công ty ông điều hành từ 2014 đến 2020), vì đã quay lại hướng đi hybrid khi tốc độ tăng trưởng của EV chậm lại.
“Hybrid là con đường dẫn đến ‘địa ngục’. Chúng chỉ là một chiến lược chuyển tiếp, và càng kéo dài, bạn càng chậm bước vào kỷ nguyên mới”, Palmer nhấn mạnh.
“Nếu trì hoãn quá trình chuyển đổi sang xe điện bằng cách kết hợp nó với xe hybrid, bạn sẽ mất khả năng cạnh tranh và tạo cơ hội để người Trung Quốc tiếp tục phát triển thị trường cũng như thúc đẩy vị thế dẫn đầu của họ. Tôi nghĩ rằng đó là một việc làm sai lầm”, ông nói thêm.
Trung Quốc bứt phá
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô đã phần nào thay đổi bởi sự bùng nổ của các thương hiệu Trung Quốc như BYD. Các công ty này không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa với những dòng xe điện và hybrid giá rẻ, công nghệ cao mà còn nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài.
"Xe Trung Quốc thật sự rất tốt. Chúng mang lại giá trị tuyệt vời so với số tiền bỏ ra. Công nghệ pin của họ là hàng đầu và họ tập trung rất nhiều vào phần mềm của mình", Palmer nhận xét.
Ông giải thích rằng thành công của ngành xe điện Trung Quốc xuất phát từ chiến lược công nghiệp dài hạn của nước này, được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp khổng lồ. Một nghiên cứu chỉ ra Chính phủ Trung Quốc đã chi ít nhất 230 tỷ USD cho các nhà sản xuất xe điện từ năm 2009.
Thách thức cho Mỹ và châu Âu
Đáp lại sự trỗi dậy của ô tô Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đã áp đặt thuế quan. Tuy nhiên, Palmer cho rằng các mức thuế này sẽ chỉ làm cho các công ty phương Tây trở nên trì trệ và kém cạnh tranh hơn.
"Trải nghiệm của tôi với thuế quan là chúng chỉ khiến ngành công nghiệp nội địa trở nên ‘lười biếng’. Khoảng cách với các công ty Trung Quốc sẽ càng ngày càng lớn", Palmer nhận xét.
Thay vào đó, ông kêu gọi các nhà sản xuất chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh "sinh tồn" với các hãng xe Trung Quốc, đặc biệt tại châu Âu – thị trường được coi là khó tính nhất thế giới.
Các hãng xe Nhật lao đao
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành EV Trung Quốc đã đặt các hãng xe Nhật như Nissan, Toyota và Honda vào tình thế khó khăn. Toyota, từng thành công với chiến lược tập trung vào hybrid, giờ đây lại gặp khó khi các thị trường lớn như Trung Quốc chuyển sang EV nhanh chóng.
Nissan tuyên bố sẽ sa thải 9.000 nhân viên vào tháng 11, trong khi cả Toyota và Honda đều đang phải đối mặt với doanh số và lợi nhuận giảm tại thị trường tỷ dân. Trong tháng này, có thông tin cho rằng Nissan và Honda đang trong quá trình đàm phán sáp nhập.
Palmer cho biết mặc dù quyết định tập trung vào xe hybrid của Toyota ban đầu đã mang lại hiệu quả, nhưng việc này đã khiến Toyota và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác gặp khó khăn khi các thị trường quan trọng như Trung Quốc nhanh chóng chuyển đổi sang xe điện.
“Toyota đã đưa ngành công nghiệp Nhật Bản vào ngõ cụt và họ sẽ phải vật lộn để phục hồi”, ông nhấn mạnh. Thậm chí, Nissan cũng đã "tự bắn vào chân mình" khi không tận dụng lợi thế dẫn đầu về công nghệ EV.
Làm sao để thúc đẩy xe điện?
Mặc dù doanh số xe điện vẫn đang tăng, tốc độ vẫn chậm hơn kỳ vọng khiến nhiều nhà sản xuất cắt giảm đầu tư. Theo Palmer, rào cản lớn nhất khiến người tiêu dùng ngần ngại chuyển sang EV là giá thành quá cao.
Theo Kelley Blue Book , giá trung bình của một chiếc xe điện tại Mỹ vào tháng 10 là 56.902 USD, cao hơn đáng kể so với 48.623 USD của xe chạy bằng xăng.
"Giá EV phải tương đương với xe động cơ đốt trong. Điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất phải cung cấp xe với pin nhỏ hơn", Palmer nói. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng phương Tây có thể học hỏi Trung Quốc chiến lược phát triển pin xe điện - thứ mà nước này thống trị . Palmer nói: “Nếu phương Tây muốn bắt kịp, tôi ủng hộ việc sao chép Trung Quốc”.
Theo BI