HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Apple bất ngờ 'thay tướng', thực hiện bước đi lớn để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Đăng Đức

(Thị trường tài chính) - Sau 10 năm đồng hành, Apple quyết định chia tay một vị lãnh đạo cấp cao đã giúp họ đã tăng hơn gấp đôi doanh số bán hàng từ 183 tỷ USD lên 383 tỷ USD.

“Táo khuyết” chốt lịch để CFO Luca Maestri rời “ghế nóng” sau hơn 1 thập kỷ gắn bó

Hôm thứ Hai (26/8), Apple thông báo rằng họ sẽ thay thế Giám đốc tài chính (CFO) Luca Maestri vào ngày 1/1/2025 bằng Kevan Parekh, người hiện đang làm việc tại Apple.

“Gã khổng lồ công nghệ” đến từ Mỹ cũng cho biết ông Maestri sẽ tiếp tục lãnh đạo các nhóm tập trung vào công nghệ thông tin, bảo mật và phát triển bất động sản.

Ông Kevan Parekh, người sẽ là Giám đốc tài chính mới của Apple, từng là Phó Chủ tịch cấp cao của Maestri phụ trách lập kế hoạch và phân tích tài chính của công ty.

Apple bất ngờ 'thay tướng', thực hiện bước đi lớn để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc - ảnh 1
Giám đốc tài chính lâu năm của Apple Luca Maestri (trái) sẽ được thay thế bởi Kevan Parekh (phải) - Ảnh: FT Montage

“Trong hơn một thập kỷ, Kevan là thành viên không thể thiếu trong nhóm lãnh đạo tài chính của Apple và ông ấy hiểu rõ công ty từ trong ra ngoài. Trí tuệ sắc sảo, phán đoán sáng suốt và sự thông minh về tài chính khiến ông ấy trở thành lựa chọn hoàn hảo để trở thành CFO tiếp theo của Apple”, Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của “Táo khuyết” cho biết trong một tuyên bố.

Ông Luca Maestri sinh ngày 16/10/1963, là người Italy, được bổ nhiệm làm CFO của Apple vào năm 2014 trước khi cổ phiếu bắt đầu tăng mạnh, một phần là do nhu cầu mạnh mẽ đối với dòng điện thoại thông minh siêu “ăn khách” iPhone. Cổ phiếu Apple đã tăng hơn 800% kể từ khi Maestri trở thành CFO của hãng này.

Trong nhiệm kỳ của mình với tư cách là Giám đốc tài chính, vị lãnh đạo 60 tuổi của Apple đã giúp công ty này tăng gấp đôi doanh số bán hàng và thu nhập ròng hàng năm cũng như mở rộng biên lợi nhuận gộp. Năm 2014, doanh thu của “Táo khuyết” là khoảng 183 tỷ USD/năm. Năm ngoái, Apple báo cáo doanh thu lên tới 383 tỷ USD.

Luca Maestri từng giám sát chương trình hoàn vốn phá kỷ lục của Apple và xuất hiện cùng CEO Tim Cook trong các cuộc họp báo cáo thu nhập hàng quý.

Ông Maestri, 60 tuổi, bắt đầu sự nghiệp của mình với General Motors (GM) và dành 2 thập kỷ cống hiến tại hãng sản xuất ô tô này, giúp thiết lập hoạt động rộng rãi của hãng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau đó, ông giữ chức vụ CFO tại Nokia Siemens và Xerox trước khi gia nhập Apple với tư cách là kiểm soát viên doanh nghiệp vào năm 2013. Ông được thăng chức lên CFO chỉ 1 năm sau.

Trong khi đó, ông Kevan Parekh gia nhập Apple trong lĩnh vực tài chính và tiếp thị sản phẩm vào năm 2013 sau 4 năm làm việc tại Thomson Reuters. Tương tự như Maestri, trước đây ông từng làm việc tại GM, bao gồm cả hoạt động ở nước ngoài.

Apple không phải là “gã khổng lồ” duy nhất của Thung lũng Silicon trải qua sự thay đổi ở thượng tầng lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính. Tại Alphabet, Ruth Porat đã thông báo vào tháng 7 năm 2023 rằng bà sẽ rời khỏi vai trò CFO để trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư.

Vào tháng 6 năm 2024, công ty cuối cùng đã công bố người thay thế khi đưa Anat Ashkenazi, người đã lãnh đạo tài chính tại Eli Lilly, vào vị trí của bà Porat. Một năm trước khi động thái chia tay công ty mẹ của Google của bà Porat được công khai, Meta đã bổ nhiệm Susan Li làm CFO, thay thế David Wehner, người sẽ trở thành Giám đốc chiến lược của chủ sở hữu Facebook.

Apple nhắm mục tiêu tạo ra 600.000 việc làm ở đất nước đông dân nhất thế giới 

Theo báo cáo của tờ The Economic Times, hoạt động của Apple tại Ấn Độ dự kiến sẽ tạo ra tới 600.000 việc làm vào cuối năm tài chính 2024, nhấn mạnh sự mở rộng đáng kể của công ty tại khu vực này khi họ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc.

Apple bất ngờ 'thay tướng', thực hiện bước đi lớn để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc - ảnh 2
Apple mở rộng cơ sở sản xuất và kinh doanh ở Ấn Độ - Ảnh: Apple

Theo ước tính và dữ liệu do công ty và các nhà cung cấp công bố cho Chính phủ, lực lượng lao động tại Ấn Độ - đất nước đông dân nhất thế giới của Apple dự kiến sẽ bao gồm 200.000 vị trí trực tiếp vào tháng 3 năm sau, trong đó phụ nữ chiếm khoảng 70% các vị trí này.

Báo cáo trích dẫn các nguồn tin cho biết 3 nhà sản xuất theo hợp đồng của Apple tại Ấn Độ - Foxconn, Wistron (nay là Tata Electronics) và Pegatron - đã tạo ra 80.872 việc làm trực tiếp. Ngoài ra, các nhà cung cấp lớn hơn như Tata Group, Salcomp, Motherson, Foxlink (ở Tamil Nadu), Sunwoda (ở Uttar Pradesh), ATL (ở Haryana) và Jabil (ở Maharashtra) đã cùng nhau tạo ra khoảng 84.000 việc làm trực tiếp, báo cáo cho biết.

Theo tờ The Economic Times, trong những năm gần đây, Apple đã nổi lên là đơn vị tạo ra nhiều việc làm lao động chân tay nhất tại Ấn Độ, với lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ và những người mới vào nghề.

Báo cáo trích lời một quan chức cho biết: “Nhìn chung, các nhà cung cấp và nhà cung ứng của Apple đã tạo ra khoảng 165.000 việc làm trực tiếp kể từ khi chương trình PLI (khuyến khích liên kết sản xuất) dành cho điện thoại thông minh được triển khai vào năm 2020”.

Cơ sở kép của Tata Group tại Hosur, Tamil Nadu, dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 50.000 người theo thời gian. Đơn vị sản xuất iPhone, nằm cạnh nhà máy sản xuất vỏ máy của tập đoàn, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất thương mại iPhone vào tháng 10 này. Báo cáo cho biết năng lực sản xuất sẽ được mở rộng dần dần.

Chính phủ Ấn Độ đã dự đoán rằng cứ mỗi vị trí trực tiếp trong ngành điện tử sẽ có thêm 3 việc làm gián tiếp được tạo ra. Điều này ngụ ý rằng hệ sinh thái Apple có thể tạo ra từ 500.000 đến 600.000 việc làm vào cuối tháng 3 năm sau.

Khi chương trình PLI dành cho điện thoại thông minh được giới thiệu vào năm 2020, mục tiêu của chương trình là tạo ra 200.000 việc làm trực tiếp. Mặc dù chương trình được thiết kế để đạt được mục tiêu này thông qua 10 công ty được chọn trong 5 năm nhưng hệ sinh thái Apple đã đạt được mục tiêu này chỉ trong 4 năm, báo cáo cho biết.

Apple đã triển khai thành công mô hình Trung Quốc của mình tại Ấn Độ, phản ánh cách tiếp cận của công ty này trong việc xây dựng một hệ sinh thái toàn diện và tạo ra các cơ hội việc làm đáng kể. Trong 25 năm qua, “gã khổng lồ công nghệ” đến từ Mỹ được cho là đã tạo ra hơn 4 triệu việc làm tại Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất và phát triển ứng dụng, báo cáo nêu rõ.

Apple đã trở thành chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) lớn đầu tiên nhanh chóng di dời một phần chuỗi cung ứng của mình từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

Bắt đầu từ năm 2021, Apple bắt đầu lắp ráp iPhone tại Ấn Độ lần đầu tiên bên ngoài Trung Quốc. Kể từ đó, sản lượng iPhone tại Ấn Độ liên tục tăng thông qua 3 nhà sản xuất theo hợp đồng của Apple, với sản lượng đạt 1,20 nghìn tỷ Rupee trong năm tài chính 2024, trong đó 850 nghìn tỷ Rupee là sản lượng những chiếc smartphone này được xuất khẩu.

Cuộc Khảo sát Kinh tế mới nhất nhấn mạnh rằng Ấn Độ hiện chiếm khoảng 14% tổng sản lượng của Apple, đánh dấu mức tăng đáng kể so với mức khoảng 7% trong năm tài chính 2023 và khẳng định vị thế là trung tâm quan trọng cho hoạt động xuất khẩu toàn cầu của công ty.

Theo CNBC/Business Standard

Ý kiến bạn đọc