HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

3 'mối nguy' áp sát kinh tế Nga, chuyên gia cảnh báo ông Putin lâm vào thế khó

Dĩnh Khâm

(Thị trường tài chính) - Ông Putin cần làm ba việc cùng lúc, đó là: đảm bảo hệ thống tài chính cân bằng, đáp ứng các nghĩa vụ xã hội và duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức cao.

Chuyên gia phân tích kinh tế của Tổ chức nghiên cứu Carnegie Russia Eurasia Center, bà Alexandra Prokopenko chia sẻ với tờ Finance Times rằng việc Nga tăng chi tiêu quốc phòng có khả năng đẩy nền kinh tế vào những khó khăn sâu sắc hơn. 

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng phải mất nhiều năm nữa Nga mới phải đối diện trực tiếp với những tác động từ tình trạng chi tiêu quá mức của mình.

Một tài liệu được công bố trên trang web của Quốc hội Nga cho thấy nước này có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng thêm khoảng 25% vào năm tới. Theo đó, đợt tăng chi tiêu theo kế hoạch mới nhất sẽ đưa ngân sách quốc phòng của Nga từ mức 10.800 tỷ rouble (115 tỷ USD) của năm 2024 lên 13.500 tỷ rouble (145 tỷ USD) vào năm 2025.

Bà Prokopeko nói chi tiêu quốc phòng và an ninh quốc gia của Nga sẽ chiếm 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đồng thời chiếm 40% tổng chi tiêu của Liên bang. 

Đây là một tỷ lệ rất lớn so với các phần còn lại của ngân sách, và là mức cao nhất kể từ khi Liên Xô giải thể vào năm 1991. Điều này cho thấy Nga đang ưu tiên rất nhiều nguồn lực cho quân đội và an ninh, vượt qua các mức chi tiêu quốc phòng của nhiều năm trước đây.

Theo bà, sự chuyển dịch tập trung phần lớn nguồn lực vào quân đội và quốc phòng này có thể kéo dài trong khoảng 8 năm. Bà cũng dự đoán nó có thể gây tổn hại đến kinh tế Nga sau này, khi những mất cân bằng và khó khăn trong các lĩnh vực khác trở nên nghiêm trọng hơn.

Vị chuyên gia của Carnegie Russia Eurasia Center nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải đối mặt với một tình thế khó khăn mà không thể dễ dàng giải quyết.

3 'mối nguy' áp sát kinh tế Nga, chuyên gia cảnh báo ông Putin lâm vào thế khó - ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin 

Ông cần làm ba việc cùng lúc, đó là: đảm bảo hệ thống tài chính cân bằng (bảo đảm rằng ngân sách quốc gia vẫn ổn định và không bị thâm hụt quá mức); đáp ứng các nghĩa vụ xã hội (cung cấp đủ nguồn lực cho các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, đảm bảo đời sống người dân) và duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức cao (vẫn tiếp tục chi tiêu lớn cho quân đội và an ninh quốc gia như hiện nay).

Bên cạnh đó, bà Prokopenko chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tạo ra áp lực lớn lên chiến lược kinh tế của Nga. Những lệnh trừng phạt này đã cản trở khả năng hiện đại hóa quân đội, phá vỡ chuỗi cung ứng và hạn chế các giao dịch tài chính.

Có thể thấy, hiện tại, hầu hết các ngân hàng Trung Quốc vẫn từ chối giao dịch với Nga vì các rủi ro từ lệnh trừng phạt. 

Ngoài ra, việc Nga tập trung mạnh vào quốc phòng cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế trong nước. Nó khiến tiền lương tăng cao và lạm phát tăng vọt - những điều kiện không tốt cho sức khỏe kinh tế nói chung.

Theo ước tính của Chính phủ Nga, tăng trưởng GDP sẽ chững lại từ năm tới. Khi tăng trưởng chậm lại mà giá cả vẫn tăng cao, Nga có thể sẽ rơi vào tình trạng đình lạm - một tình huống kinh tế đáng lo ngại, khi nền kinh tế vừa suy thoái vừa chịu lạm phát cao. Điều này đẩy Moscow vào một con đường đầy rủi ro cho tương lai kinh tế.

Theo BI