HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

3 'gã khổng lồ' công nghệ tức tốc rời khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra?

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Ba gã khổng lồ công nghệ Microsoft, HP và Dell đang đẩy mạnh sản lượng, chuẩn bị dịch chuyển sản xuất nhằm thoát khỏi nguy cơ thuế quan nhắm vào Trung Quốc.

Trước viễn cảnh ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng, ba gã khổng lồ công nghệ Microsoft, HP và Dell đang đẩy nhanh kế hoạch chiến lược chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để ứng phó với nguy cơ áp thuế cao và hạn chế thương mại.

Theo Nikkei Asia, Microsoft đã có những động thái mạnh mẽ nhất trong việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng. Cụ thể, hãng đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng cường sản xuất linh kiện cho hạ tầng điện toán đám mây và chuẩn bị chiến lược lắp ráp các dòng sản phẩm mũi nhọn như máy chơi game Xbox và dòng máy tính xách tay Surface ở các quốc gia thay thế.

3 'gã khổng lồ' công nghệ tức tốc rời khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 1
Hôm 25/ 11, ông Trump đã tuyên bố sẽ tăng mạnh mức thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc

Các nhà quan sát cho rằng, động thái này của Microsoft không chỉ là việc phòng ngừa rủi ro thuế quan mà còn là chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ giúp hãng giảm thiểu tối đa các tác động tiềm tàng từ những bất ổn địa chính trị.

HP và Dell - hai ông lớn trong ngành sản xuất máy tính - cũng đang tiến hành các bước đi tương tự. Hai hãng này đang tích cực thảo luận với hệ thống nhà cung cấp về kế hoạch chuyển dần sản xuất linh kiện sang các quốc gia khác, với trọng tâm là Đông Nam Á và Ấn Độ.

Một nhà sản xuất linh kiện điện tử bên trong chuỗi cung ứng của các hãng công nghệ này chia sẻ: "Các khách hàng Mỹ đang rất mong muốn chúng tôi đẩy nhanh quá trình sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Họ muốn giảm thiểu rủi ro chính trị và tăng tính linh hoạt cho chuỗi cung ứng".

Việc xem xét lại toàn bộ kế hoạch mua sắm năm 2025 với mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc được xem là chiến lược quan trọng của các hãng công nghệ này.

Trước những diễn biến phức tạp của quan hệ thương mại Mỹ - Trung, các tập đoàn công nghệ đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các chính sách thuế quan tiềm ẩn.

Các nhà sản xuất đang tích cực mở rộng năng lực tại các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. HP, một trong những hãng dẫn đầu xu hướng này, đã nhanh chóng thiết lập các kho bãi và trung tâm hậu cần mới. Ít nhất hai nhà cung cấp đã xây dựng năng lực sản xuất cho HP tại Thái Lan trong năm nay và năm tới.

Một nguồn tin từ giới sản xuất tiết lộ: "Các cuộc thảo luận lần này nghiêm túc hơn nhiều. Ý chí chuyển hướng đang trở nên rõ ràng và trực tiếp hơn". Một giám đốc cung cấp linh kiện còn chia sẻ rằng đã nhanh chóng thuê nhà máy tại Thái Lan và bắt đầu sản xuất sản phẩm cho HP.

3 'gã khổng lồ' công nghệ tức tốc rời khỏi Trung Quốc, chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 2
Giá trị hàng tiêu dùng nhập khẩu của Mỹ theo quốc gia/khu vực (tỷ USD)

Dell, một hãng đã có sự hiện diện tại Việt Nam, cũng đang tích cực tìm kiếm các giải pháp sản xuất mới tại Đông Nam Á. Một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh: "Khách hàng muốn được bảo hiểm gấp đôi. Sản xuất đa dạng hơn sẽ giúp công ty có khả năng phục hồi tốt hơn".

Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh ông Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% với hàng từ Mexico và Canada. Chiến dịch tranh cử của ông với những lời hứa trừng phạt thương mại đã tạo áp lực lớn lên các tập đoàn công nghệ.

Chuyên gia Chiu Shih-fang từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) nhận định: "Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã bước vào 'vùng nước sâu', nơi các nhà sản xuất linh kiện buộc phải xây dựng năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc".

Không chỉ riêng các hãng máy tính, Apple cũng đã đẩy mạnh sản xuất iPhone tại Ấn Độ từ đầu năm. Các nhà sản xuất thiết bị điện tử cung cấp cho Nvidia và Tesla cũng đang sẵn sàng điều chỉnh sản xuất để ứng phó với các thay đổi có thể xảy ra.

Phát biểu của HP thông qua Giám đốc chuỗi cung ứng Ernest Nicolas cho thấy chiến lược dài hạn: "Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra một chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu hiện tại trong khi vẫn sẵn sàng cho những thách thức của ngày mai".

Theo Nikkei Asia

 

Ý kiến bạn đọc