Vì sao thị trường mua bán ô tô tăng đột biến?
(Thị trường tài chính) - Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, số lượng xe bán ra trong tháng 10 năm 2024 tăng tới 53% so với cùng kỳ 2023. Các chuyên gia cho rằng lý do của việc này đến từ việc giảm phí trước bạ, nhu cầu mua sắm ô tô tăng cao dịp cuối năm, chính sách cho vay của ngân hàng hấp dẫn và thị trường bất động sản sôi động.
Theo các chuyên gia, thị trường ô tô cuối năm đang ghi nhận sức mua tăng cao, với bốn động lực chính thúc đẩy gồm: chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, nhu cầu bổ sung xe dịch vụ và vận chuyển của doanh nghiệp, sự hồi phục của thị trường bất động sản, và các gói vay ưu đãi từ ngân hàng. Đây được xem là những yếu tố then chốt tạo nên làn sóng tiêu thụ mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
Theo số liệu từ VPBank, ngân hàng này đã ghi nhận mức tăng trưởng dư nợ vay mua ô tô của doanh nghiệp cao nhất trong quý III, tăng hơn 8% so với quý II và hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực này hiện chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay xe du lịch của ngân hàng. Dự báo, nhu cầu vay mua xe sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong giai đoạn cuối năm, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phục vụ kinh doanh và nhu cầu đi lại gia tăng.
Trước làn sóng tăng trưởng nhu cầu, các ngân hàng đang tích cực triển khai các gói vay ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Với hơn một thập kỷ tập trung vào phân khúc SME, VPBank đã cho thấy thế mạnh trong việc triển khai các chính sách linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Thành Nam, chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết vừa hoàn tất thủ tục vay mua ba xe tải và một xe du lịch tại VPBank chỉ trong vòng 90 phút. “Thủ tục nhanh chóng, lãi suất chỉ từ 6,8%/năm, thời hạn vay lên đến 96 tháng, giảm áp lực tài chính đáng kể. Đặc biệt, ngân hàng còn tính cả lệ phí trước bạ vào khoản vay, giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong kế hoạch chi tiêu”, anh Nam chia sẻ.
Đại diện VPBank cũng nhấn mạnh lợi thế của nền tảng số hóa Race App – một công cụ tự động hóa toàn bộ quy trình xét duyệt khoản vay. Ứng dụng này không chỉ rút ngắn thời gian phê duyệt từ 8 tiếng xuống vài chục phút, mà còn giúp quản lý rủi ro hiệu quả, đồng thời tăng hiệu suất hoạt động của ngân hàng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có hơn 930.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó SME chiếm đến 98%. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ cũng như các tổ chức tài chính.
Việc kết hợp giữa chính sách hỗ trợ từ chính phủ và sự linh hoạt của các ngân hàng không chỉ thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng mà còn góp phần tạo đà cho nền kinh tế phát triển bền vững trong giai đoạn cuối năm.