Vàng nhẫn tăng phi mã: Nơm nớp những nỗi lo
(Thị trường tài chính) - Giá vàng nhẫn tăng mạnh trong những ngày gần đây, vượt 77 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng miếng SJC được xem là hiện tượng bất thường, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và người dân.
Vàng nhẫn vượt giá vàng miếng: Chuyện lạ
Cách đây không lâu, vào tháng 5/2024, vàng miếng SJC thời điểm đó tăng dữ dội. Ngày 10/5, vàng miếng tại SJC ghi nhận giá bán ra kỷ lục 92,42 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng nhẫn tới 15,87 triệu đồng/lượng khi vàng nhẫn có giá 76,55 triệu đồng/lượng.
Gần đây nhất, phiên giao dịch chiều 17/7, giá vàng nhẫn tại một số nhà vàng tiếp tục được đẩy lên cao, vượt xa mức 77 triệu đồng/lượng. Cụ thể, nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Tập đoàn DOJI được điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra, lên mức 77,7 triệu đồng. Hay như Bảo Tín Minh Châu, nhà vàng này hiện đang niêm yết giá bán vàng nhẫn ở mức 77,63 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng. Trước đó, trong phiên hôm qua, nhà vàng này cũng đã mạnh tay điều chỉnh tăng giá bán vàng nhẫn tới 500.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn vượt vàng miếng được nhiều người ví như “chuyện lạ”, bởi từ trước đến nay, vàng miếng thường “có giá’ hơn vàng nhẫn do mặt hàng này có tính thanh khoản cao hơn.
Sở dĩ giá vàng nhẫn đang có xu hướng bị đẩy lên cao, vượt vàng miếng trong thời gian gần đây được nhiều người nhận định rằng, nguồn cung của vàng miếng đang có phần hạn chế. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước từng khẳng định “không thiếu vàng miếng”, tuy nhiên, việc người dân có mua được vàng hay không, còn phụ thuộc vào… may mắn.
Điều gì đang diễn ra trên thị trường vàng?
Ngày 3/6/2024, 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước bắt đầu bán vàng giá bình ổn. Thời điểm đó, cơn “sốt” vàng do người dân tạo ra quá lớn, việc mua vàng được ví khó như lên trời. Đến nay, sau 1,5 tháng triển khai, cơn sốt đã có phần hạ nhiệt, dẫu vậy, việc mua được 1 lượng vàng miếng cũng không hề dễ dàng.
Chị Quàng Thị Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng gia đình nhen nhóm ý định mua tích trữ 1 cây vàng SJC từ những ngày đầu các ngân hàng mở bán trực tuyến. Vậy nhưng sau năm lần bảy lượt chờ đợi đến thời gian mở bán, chị Hằng vẫn không thể mua được. Câu chuyện chưa mua được vàng của chị kéo dài từ đó đến tận bây giờ.
Khó mua vàng miếng, nhiều người lại đổ xô sang mua vàng nhẫn, bởi đối với họ, kênh đầu tư vàng được xem là khả quan nhất.
Có trong tay hơn 300 triệu đồng tiền tiết kiệm, sau nhiều lần cân nhắc, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng (Hà Đông, Hà Nội) quyết định mua vàng tích trữ. “Ban đầu vợ chồng tôi cũng tính để số tiền đó về quê mua mảnh đất nhỏ, nhưng tính toán kỹ thì 2 vợ chồng chuyển sang mua vàng. Chúng tôi cũng tìm mọi cách để mua vàng miếng, từ xếp hàng cho đến mua online nhưng đều không được, vậy nên mấy hôm trước chúng tôi đã chuyển sang mua vàng nhẫn rồi”, anh Hùng chia sẻ.
Trước tình trạng này, một số chuyên gia cho rằng, để ổn định thị trường vàng, nhà nước cần xem xét, sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Ngân hàng Nhà nước có thể bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước muốn giữ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC thì cần cung ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng khan hiếm như hiện tại.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, để quản lý thị trường vàng hiệu quả, cần tăng cường phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương để kiểm soát ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng. Đồng thời, tăng cường chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi nhập lậu vàng, hành vi mua, bán vàng trái pháp luật. Việc bắt buộc các đơn vị kinh doanh vàng xuất hóa đơn điện tử là cần thiết và cần được kiểm soát chặt chẽ nhằm quản lý hiệu quả hơn đối với các giao dịch mua, bán vàng, từ đó tạo tiền đề cho việc đánh thuế, thu thuế cũng như hạn chế vàng nhập lậu.