Thị trường vàng đỏ mắt chờ sửa Nghị định 24
(Thị trường tài chính)- Sau gần 2 tháng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được yêu cầu có biện pháp đối với thị trường vàng, giá vàng trong nước vốn đắt đỏ nay lại xuất hiện tình trạng khan hiếm. Theo các chuyên gia, nếu không giải bài toán về nguồn cung thông qua cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng, người mua vàng trong nước sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi do phải mua vàng giá đắt.
Đổ xô mua vàng nhẫn
Trưa ngày 28/2, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã khảo sát tại nhiều cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy, Hàng Bạc, Hà Trung (Hà Nội), khi hỏi mua vàng nhẫn tròn trơn đều nhận được thông tin không có hàng hoặc hết hàng.
Tại Chi nhánh SJC Miền Bắc trên phố Giang Văn Minh, nhân viên ở đây cho biết không còn nhẫn tròn trơn. Khi PV hỏi loại vàng miếng SJC “truyền thống” 1 chỉ cũng nhận được câu trả lời không có. Trong khi đó, nhân viên tại Chi nhánh SJC ở 18 Trần Nhân Tông cho hay không còn loại nhẫn 1 chỉ, chỉ còn loại vàng nhẫn 0,5 phân và vàng miếng SJC chỉ có loại 1 lượng. Loại vàng miếng 1 chỉ cũng không có.
Thực tế trong những ngày qua, không ít tiệm vàng ở Hà Nội báo "cháy" báo "cháy" vàng nhẫn, chỗ khác lại báo “cháy” vàng miếng. Không chỉ khan hiếm, giá vàng trong nước cũng tăng phi mã. Các doanh nghiệp vàng như Bảo Tín Minh Châu, DOJI niêm yết giá vàng nhẫn lên tới hơn 66 triệu đồng/lượng.
Theo đó, công ty vàng Bảo Tín Minh Châu niêm yết nhẫn tròn trơn 99,99 tới 65,13 triệu đồng/lượng mua vào, 66,23 triệu đồng/lượng bán ra, mức cao nhất từ đầu năm tới nay. Công ty DOJI cũng niêm yết giá bán vàng 99,99 ở mức cao, dao động từ 65,75 - 66 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC giao dịch tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn khu vực Hà Nội quanh mức 77,1 - 78,9 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so kết phiên hôm qua. Chênh lệch mua vào-bán ra ở mức 1,8 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới giá vàng đảo chiều giảm 5,7 USD/ounce đứng ở ngưỡng 2.032,2 USD/ounce.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm của hầu hết các ngân hàng duy trì ở mức dưới 5%/năm, nhiều người dân đã chọn vàng là kênh đầu tư, tích trữ tài sản khiến giá kim loại quý trong nước những ngày qua liên tiếp duy trì ở mức cao. Giá vàng miếng SJC hiện cao hơn giá thế giới từ 18-19 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng tăng liên tiếp, vượt 65 và 66 triệu đồng/lượng.
Kể từ sau các quyết sách điều chỉnh, thị trường vàng miếng, vàng nhẫn/trang sức đang có xu hướng leo cao so với SJC "truyền thống". Người dân có xu hướng mua vàng nhẫn trong gần 2 tháng đầu năm 2024 là do giữ vàng nhẫn, vàng trang sức có thể lãi hơn vàng miếng. Nhiều người lo ngại nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay đổi chính sách quản lý thị trường vàng, xem xét lại việc độc quyền, giá vàng SJC có thể giảm mạnh, về gần hơn so với giá thế giới quy đổi. Bên cạnh đó tháng 1 và tháng 2/2024 cũng là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều người tổ chức đám cưới, nhu cầu loại vàng này tăng cao.
Đỏ mắt chờ sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP
Từ lâu không cấp phép nhập khẩu, không sản xuất thêm vàng miếng để tăng cung cho thị trường. Mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường khiến người dân phải mua vàng với giá rất cao.
Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng đẩy mạnh triệt phá các đường dây mua bán vàng lậu trong vài năm qua, trong đó có vụ khởi tố Chủ tịch Công ty vàng Phú Quý về tội trốn thuế vì liên quan đường dây buôn lậu 3 tấn vàng từ Lào về Việt Nam hồi giữa năm 2023,… cũng có thể khiến nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường khan hiếm hơn.
Tiêu thụ vàng trang sức trong nước được dự báo tăng trưởng dương trong năm 2024 khi nền kinh tế hồi phục mạnh hơn và thu nhập người dân cải thiện. Theo SSI Research, mức tiêu thụ trang sức kỳ vọng tăng ở mức một chữ số trong năm 2024, sau khi giảm khoảng 10% trong năm 2023.
Sau gần 2 tháng NHNN được yêu cầu có biện pháp đối với thị trường vàng, giá vàng trong nước vẫn ngày trở nên đắt đỏ nay xuất hiện tình trạng khan hiếm.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đề nghị NHNN giải bài toán nguồn cung, cho phép các doanh nghiệp lớn, có uy tín nhập khẩu vàng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu vàng trang sức, vàng nhẫn, qua đó thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Cùng với đó, doanh nghiệp kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng theo hướng cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng SJC, tăng cung cho thị trường.
“Nếu không giải bài toán về nguồn cung thông qua cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng, người mua vàng trong nước sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi do phải mua vàng trong nước đắt hơn giá thế giới” - ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận.
Thực tế, trong những ngày qua, giá vàng tăng nhưng người mua vẫn lỗ. “Tôi mua vàng nhẫn vào ngày Thần tài là 64,5 triệu đồng/lượng. Đến nay dù giá lên tới 66 triệu đồng/lượng nhưng là giá nhà vàng bán ra. Còn giá họ thu mua lại chỉ là 63,9 triệu đồng/lượng. Như vậy tôi vẫn lỗ 600.000 nghìn/lượng”- bà Trịnh Kim Hoa (ở Phố Hàm Long, Hoàn Kiếm) cho hay.
Không chỉ cao hơn giá thế giới, khoảng cách mua-bán các doanh nghiệp kinh doanh vàng để rất lớn. Một chuyên gia tài chính nói, thị trường vàng miếng, vàng nhẫn chỉ được tiêu thụ nhiều vào dịp đầu, cuối năm và ngày Thần Tài. Do đó thị trường có phần khan hiếm các sản phẩm dưới 1 chỉ cũng không phải việc quá khó hiểu. Song vị này cũng đề cập đến giả định đây cũng có thể là chiêu trò làm thị trường khan hiếm, đẩy giá trục lợi, tác động đến cơ quan quản lý, thúc đẩy việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh - - Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, cần cấp thiết sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng theo hướng sửa đổi không còn độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC.
Nếu không cho mở cửa nhập khẩu và cởi bỏ độc quyền thì nguồn vàng không chính ngạch vẫn vào thị trường khi cung vàng trong nước khan hiếm và giá cao hơn quốc tế. Vả lại, hiện tất cả các nước trong khu vực đều có thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế. Trong khi đó, giá vàng ở Việt Nam luôn cao hơn quốc tế 15-17 triệu đồng/lượng và có thời điểm lên đến 19-20 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng trong nước chịu thiệt.