So găng kết quả “vượt ngàn chông gai” của các “anh trai” ngân hàng tư nhân 6 tháng đầu năm
(Thị trường tài chính) - Báo cáo tài chính bán niên 2024 của các ngân hàng tư nhân, trong đó có các nhà băng do các anh trai làm chủ như Techcombank, ACB, LPBank, VPBank... vừa công bố đã ghi nhận những con số "vượt ngàn chông gai" đầy ấn tượng.
Báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2024 đang lần lượt được các ngân hàng công bố. Trong đó, các ngân hàng tư nhân do các anh trai làm chủ tịch HĐQT như VPBank- ông Ngô Chí Dũng, Ngân hàng Á Châu (ACB)- ông Trần Hùng Huy, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank)- Nguyễn Đức Thụy, Techcombank- Hồ Hùng Anh... ghi nhận nhiều con số bứt phá.
Cụ thể, Techcombank dẫn đầu về lợi nhuận, vượt qua nhóm Big 4, trong khi LPBank ghi nhận mức tăng lợi nhuận trước thuế lên đến 142%. Các ngân hàng khác như MB, ACB, và VPBank cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng cạnh tranh.
Techcombank đạt lợi nhuận lịch sử
Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ, theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7.
Danh sách này gồm 13 cổ đông, trong đó có 6 cá nhân và 7 tổ chức nắm giữ 1,84 tỷ cổ phiếu TCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 52,265% ngân hàng. Theo danh sách công bố của Techcombank, 4 quỹ ngoại gồm Quỹ đầu tư chính phủ Singapore sở hữu hơn 1% và Morgan Stanley & Co. International Plc 1,45%, COG Investment I B.V và người liên quan nắm 7.9%, Vesta VN Investments B.V và người liên quan nắm 7,9%. Công ty cổ phần Tập đoàn Masan và người liên quan nắm 15,2% vốn ngân hàng này. Ngoài ra, còn có một doanh nghiệp là Công ty TNHH Mapleleaf chuyên về tư vấn định cư sở hữu lên tới 4,96% vốn nhà băng.
Trong đó, một số cá nhân nắm giữ trên 1% vốn có liên quan của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, và các thành viên trong gia đình. Cụ thể, phu nhân Chủ tịch Techcombank nắm giữ gần 5%, và người thuộc diện có liên quan của bà, bao gồm cả cá nhân và tổ chức, sở hữu hơn 980 triệu cổ phiếu TCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 27,8% ngân hàng. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank nắm giữ hơn 1,1% vốn điều lệ. Ba người con của ông nắm giữ gần 12% cổ phần.
Trong quý II/2024, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử của ngân hàng này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6%. Tiền gửi của khách hàng tại Techcombank đạt 481.900 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 37,4%, với số dư CASA cao nhất từ trước đến nay, đạt hơn 180.000 tỷ đồng.
Tín dụng của ngân hàng tăng 11,6% so với đầu năm, lên 591.600 tỷ đồng, phù hợp với hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp. Tổng tài sản của Techcombank đạt 908.307 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Bình quân thu nhập mỗi nhân viên trong hệ thống là 53 triệu đồng/tháng trong nửa đầu năm 2024, có thể là mức cao nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam. Techcombank cũng thường xuyên phát hành cổ phiếu ESOP để giữ chân nhân tài.
VPBank tăng tốc bứt phá
Công bố mới nhất của VPBank, tính đến ngày 19/7, có tổng cộng 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu gần 5,1 tỷ cổ phiếu VPB.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (HoSE: VPB) - vừa công bố thông tin về các cổ đông nắm hơn 1% vốn điều lệ của ngân hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Theo đó, tính đến ngày 19/7, có tổng cộng 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phiếu VPB, chiếm hơn 64% vốn điều lệ của ngân hàng.
Cụ thể, VPBank cho biết có 13 cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên gồm Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng (nắm 4,14% vốn). Bên cạnh đó, người có liên quan tới ông Dũng cũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu VPB, chiếm 29,5% vốn điều lệ.
Như vậy, ông Dũng và người có liên quan nắm giữ gần 34% vốn điều lệ VPBank, cao hơn nhiều so với tỷ lệ sở hữu 13% công bố hồi cuối năm 2023.
Với năng lực quản trị hiệu quả, nỗ lực không ngừng kiện toàn bộ máy hoạt động, và sự nhạy bén nắm bắt cơ hội kinh doanh kịp thời, VPBank kỳ vọng sẽ tăng tốc bứt phá, hoàn thành mục tiêu kinh doanh của năm trong những tháng tới đây.
Trong quý 2, VPBank giữ vững công tác kiểm soát rủi ro, nâng cao chất lượng tài sản, bảo đảm an toàn hoạt động, trong khi tiếp tục đồng hành cùng khách hàng đi qua giai đoạn khó khăn, thách thức của thị trường. Thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất tiếp tục duy trì ở vị trí đầu ngành 15,6%.
Kết thúc nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất của VPBank tăng gần 68% so với cùng kỳ, đạt hơn 8,6 nghìn tỷ đồng với đóng góp tới từ cả hệ sinh thái. Thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ, trong đó ngân hàng mẹ ghi nhận mức tăng hơn 23%, đạt 21,5 nghìn tỷ đồng.
LPBank ấn tượng với lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng 142% so với cùng kỳ
Tại Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank), ông Nguyễn Đức Thụy và VNPost, 90% vốn điều lệ của Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam là do các cổ đông sở hữu dưới 1% đứng tên.
Cụ thể, tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) vẫn đang nắm gần 167,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương tỷ lệ sở hữu 6,54%. Người có liên quan VNPost sở hữu hơn 225.000 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chưa đến 0,09%.
Cổ đông còn lại thể hiện trên báo cáo là ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch LPBank với hơn 70,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 2,765%. Người có liên quan ông Thụy nắm gần 3.900 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,0002%.
LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5.919 tỷ đồng, tăng 142% so với cùng kỳ. Tổng tài sản LPBank đạt 442.583 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,2%, đạt 317.395 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 21,4%, đạt 288.098 tỷ đồng. Nợ xấu của LPBank cuối tháng 6 ở mức 5.482 tỷ đồng, tăng 48,6% so với đầu năm, với tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,34% lên 1,73%.
ACB vào câu lạc bộ lãi trên 10.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm
Ngân hàng Á Châu (ACB) do ông Trần Hùng Huy làm Chủ tịch HĐQT. Theo danh sách cổ đông nội bộ và người có liên quan tính đến 30/6/2024 đính kèm Báo cáo tình hình quản trị công ty ngày 22/7/2024 thì ông Trần Hùng Huy sở hữu 3,94% cổ phiếu cuối kỳ tại ngân hàng. Bà Đặng Thu Thủy- mẹ của ông Trần Hùng Huy sở hữu tỷ lệ cổ phần tương đương 1,37%.
6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế Ngân hàng Á Châu đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận quý II/2024 đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 14% so với quý trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao kỷ lục theo quý của ngân hàng. ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng 12,4%, cao hơn mức trung bình toàn hệ thống. Tiền gửi tăng 6,2%, tỷ lệ CASA giữ ở mức 22,3%, và tỷ lệ cho vay/huy động đạt 82,2%.