Ông Trần Phương Bình qua đời: Dấu ấn một thời hoàng kim với DongABank

PV

(Thị trường tài chính) - Ông Trần Phương Bình (sinh năm 1958), cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongABank) qua đời ngày 18/6/2024. Tên tuổi của ông gắn liền với DongABank. Dù những ngày cuối đời thăng trầm, chịu cảnh tù tội, nhưng DongABank cũng có những giai đoạn thăng hoa dưới thời cựu CEO Trần Phương Bình.

Trước đó, ngày 13/8/2015, DongABank bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng của một số cán bộ nguyên là lãnh đạo, quản lý của Ngân hàng.

Ông Trần Phương Bình qua đời: Dấu ấn một thời hoàng kim với DongABank - ảnh 1
Tên tuổi ông Trần Phương Bình gắn với DongABank

Đến tháng 12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An (C46) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng Giám đốc DongABank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó Tổng giám đốc DongA Bank và 3 nhân viên có liên quan.

Kết quả thanh tra cho thấy từ năm 2012 trở về trước, Ngân hàng Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này.

Ông Trần Phương Bình qua đời: Dấu ấn một thời hoàng kim với DongABank - ảnh 2
Dưới thời ông Trần Phương Bình, DongABank đã có những giai đoạn hoàng kim, tiên phong trong triển khai ngân hàng tự động

Ngân hàng Đông Á được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1992. Từ một ngân hàng nhỏ bé, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, DongABank đã trở thành nhà băng có quy mô vốn 5.000 tỷ đồng tính đến 31/12/2014. Trong đó, số vốn cổ phần của cổ đông pháp nhân chiếm 40,68% vốn điều lệ của DongA Bank. Tổng tài sản năm 2014 của Đông Á đạt 87.258 tỷ đồng.

DongABank từng là một cái tên tiên phong trong triển khai ngân hàng tự động. Giai đoạn 1997-2001, khi các phương thức thanh toán ngân hàng mới ở bước đầu định hình, DongABank đã trở thành thành viên chính thức Mạng thanh toán toàn cầu (SWIFT), thành lập Công ty kiều hối Đông Á. Trung tâm thẻ DongABank cũng ra đời trong giai đoạn này.

Giai đoạn 2002-2007, con số 2 triệu khách hàng sử dụng thẻ đa năng giúp DongABank trở thành ngân hàng TMCP dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam. DongABank tiên phong triển khai thêm 2 kênh giao dịch: Ngân hàng Đông Á tự động và Ngân hàng Đông Á điện tử.

Năm 2007, DongABank tạo ra làn sóng tiên phong của ngân hàng tự động khi nhận Kỷ lục Guiness với dòng máy ATM TK21 - nhận tiền mặt trực tiếp 100 tờ với nhiều mệnh giá khác nhau trong một lần gửi. Chưa hết, năm 2012, chứng nhận kỷ lục Guiness dành cho máy bán vàng đầu tiên tại Việt Nam cũng đã được Trung tâm sách kỷ lục quốc gia trao cho DongAbank.

Giai đoạn 2008-2012, DongABank đã sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại. Số máy ATM lên đến 1,400 đơn vị, 1,500 máy POS.

Mảng huy động vốn của Đông Á cũng rất tốt. Lãi suất tiết kiệm cả ngoại tệ lẫn tiền đồng của ngân hàng này bao giờ cũng thấp hơn các nhà băng khác chút đỉnh, tỷ giá mua bán ngoại tệ không cạnh tranh nhưng họ có tỷ lệ tiền gửi của dân cư cao.

Thời gian đó, DongA Bank phát triển rực rỡ và được đánh giá là một trong những nhà băng có chất lượng dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam. Đến năm 2014, DongA Bank có trên 7,5 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, con số mà nhiều ngân hàng cổ phần mơ ước. Kết quả kinh doanh của DongA Bank trong thời điểm này cũng thuộc top dẫn đầu trên thị trường.

Mới đây, Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng, còn DongABank và SCB vẫn do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt.

Thông tin được Ngân hàng Nhà nước cho biết trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây. Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB.

Đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã được phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, cơ quan này cho biết Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc ba ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện kiểm soát đặc biệt DongABank và SCB.

Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.