Nhiều ngân hàng công bố mức lãi suất cho vay bình quân
(Thị trường tài chính) - BIDV, ACB, VietBank, VIB… đều đã công bố lãi suất cho vay bình quân. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng lại có cách công bố khác nhau.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn đốc thúc các ngân hàng thương mại khẩn trương thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân, hạn cuối là 1/4/2024, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố lãi suất cho vay với mức chênh từ hơn 3% đến 5 - 7% lãi suất huy động tùy theo mục đích vay.
Theo đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố thông tin trên trang web về lãi suất cho vay bình quân tháng 3 là 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.
Mức lãi suất suất cho vay bình quân được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) công bố là 7,76%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,85% và nhóm khách hàng doanh nghiệp 7,34%. Chênh lệch lãi suất bình quân thực tế tại nhà băng này ở mức 3,75%.
Còn tại tại Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank), lãi suất vay cơ sở kỳ hạn 1-3 tháng là 4,2%/năm, kỳ hạn 4-6 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 10-12 tháng là 7,7%/năm, còn trung dài hạn là 8,5%/năm.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác như: VIB, Sacombank, ACB, LPBank, BacA Bank, VietBank... cũng đã công bố lãi suất cho vay bình quân, hay còn gọi là "lãi suất cho vay cơ sở" từ trước đó.
Trước đó, các ngân hàng đều cho biết, việc công bố mức lãi suất này là rất khó đối với họ. Bởi lãi suất cho cá nhân vay mua nhà, tiêu dùng… lâu nay đều được công khai, tuy nhiên, đối với khách hàng doanh nghiệp có đặc thù riêng, lãi suất phụ thuộc tổng thể vào lợi ích từ phía các tổ chức, nên mức lãi suất cũng sẽ không giống nhau, dẫn tới rất khó có mức bình quân.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, công khai mức lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân thì không có vấn đề gì nhưng đối với khách hàng tổ chức thì khó khăn, bởi việc xác định lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp là dựa trên cơ sở tổng thể lợi ích mà ngân hàng thu được từ doanh nghiệp bao gồm từ huy động vốn, dịch vụ.
Theo ông Hồ Việt Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank, thời gian qua, ngân hàng đã giảm lãi suất 1,5-2 %, thậm chí có khách hàng được giảm tới 3%. Tính đến hiện tại, có khách hàng vay lãi suất trung và dài hạn chỉ 10-11 % nhưng vẫn phản ứng với ngân hàng do lãi suất huy động giảm sâu. Do đó, nếu áp dụng công bố lãi suất cho vay bình quân, sẽ dẫn đến tình trạng các khách hàng vay cũ, đã được hưởng ưu đãi tiếp tục đòi giảm lãi suất.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, ông Phạm Quang Thắng cho hay, hiện lãi suất đã giảm dần. Lãi suất cho vay tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng và mức độ rủi ro. Việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp có nhiều khó khăn, bất cập.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định rằng, trách nhiệm khi cho vay, huy động là phải công bố lãi suất, “việc này công bố không có gì khó khăn bởi đây là lãi suất bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, từng doanh nghiệp”…
Bên cạnh việc yêu cầu các ngân hàng gửi đường dẫn (link) của chuyên mục công bố các loại lãi suất, thì Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng sẽ tự chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu công bố; giải thích rõ ràng về nội dung thông tin, số liệu công bố; chủ động tiếp nhận, giải đáp và xử lý các vướng mắc từ khách hàng (nếu có)...