Đầu tư khủng cho số hóa, ngân hàng đặt mục tiêu hái quả ngọt trong năm mới

Nha Trang

(Thị trường tài chính) - Năm 2023, trong xu thế chung, hàng loạt ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ và củng cố năng lực, làm mới chiến lược ngân hàng. Từ những phân tích nghiên cứu toàn diện, năm 2024, các ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên các giải pháp liên quan đến phát triển các sản phẩm trên kênh số ngân hàng.

Hơn 90% giao dịch ngân hàng được thực hiện trên kênh số

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Theo đó, MB hiện đang phục vụ 27 triệu khách hàng, 97% giao dịch được thực hiện trên kênh số.

MB vẫn duy trì đà tăng trưởng khách hàng bền vững, tổng số lượng khách hàng MB đến 31/12/2023 đạt gần 27 triệu khách hàng. Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp MB thu hút được hơn 6 triệu khách hàng mới (năm 2021 là 6,2 triệu; năm 2022 là 6,9 triệu khách hàng mới và năm 2023 là 6,3 triệu khách hàng mới). Tỷ lệ giao dịch trên kênh số của MB duy trì ở mức cao, đạt 97%; quy mô giao dịch chuyển tiền của MB qua NAPAS đứng đầu hệ thống trong 3 năm liên tiếp (2021 – 2023). Đạt được những con số ấn tượng này phần lớn nhờ vào chiến lược đầu tư công nghệ dài hạn, giúp MB liên tục mở rộng không gian tăng trưởng và phục vụ quy mô khách hàng lớn. Các nền tảng số của MB tiếp tục chứng tỏ sức hút trên thị trường: App MBBank là nền tảng ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân được tải xuống nhiều nhất App Store Việt Nam trong ba năm qua, hiện sở hữu 22,4 triệu người dùng.

Trong năm qua, số lượng thanh toán không tiền mặt của MB đạt 2.6 tỷ giao dịch, tăng 1.5 lần so với năm 2022. Doanh thu trên các nền tảng số của MB chạm mốc 24.4%. “Trong 4 năm tới, MB xác định doanh thu trên nền tảng số sẽ chiếm 50% doanh thu cho ngân hàng.” – ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT cho hay.

Tại SHB, năm 2023, ngân hàng cũng ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện, hướng tới mô hình ngân hàng hiện đại tiêu chuẩn trong tương lai. Đặc biệt, chuyển đổi số với chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng đã đạt được những kết quả tích cực, giúp SHB đạt được tăng trưởng tốt về khách hàng và giao dịch.

Đầu tư khủng cho số hóa, ngân hàng đặt mục tiêu hái quả ngọt trong năm mới - ảnh 1
SHB xây dựng nhiều sản phẩm số, đưa các tính năng mới “online” nhằm ưu việt các trải nghiệm số trên sản phẩm ngân hàng

SHB đã xây dựng nhiều sản phẩm số, đưa các tính năng mới “online” như: Ứng dụng di động dành cho KHDN SHB Corporate Mobile giúp các doanh nhân quản trị chủ động mọi lúc mọi nơi; app SHB SAHA tích hợp gần 40 tính năng mới, đem lại các trải nghiệm mới mẻ và khác biệt dành cho các KHCN; tính năng bán ngoại tệ online;…

Trong vận hành, SHB liên tục tự động hóa nhiều quy trình nội bộ phục vụ cho công tác quản trị, bao gồm ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản trị điều hành, tăng cường quản lý rủi ro, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ kinh doanh... Đến nay tại SHB, 90% các nghiệp vụ ngân hàng trọng yếu đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số, vượt mục tiêu theo Kế hoạch chuyển đổi số đến 2025 của ngành Ngân hàng. Đồng thời, 90% số lượng giao dịch của các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đều được thực hiện hoàn toàn thông qua kênh số Mobile banking, Internet banking.

Còn ABBank cũng đầu tư nâng cao trải nghiệm khách hàng trên kênh số. Theo đó, với định hướng phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, ABBANK ghi nhận tăng trưởng số lượng khách hàng ở cả hai nhóm khách hàng cá nhân và khách hàng SME, lần lượt là 22% và 15% so với cùng kỳ. Trong 2023, ABBANK đã nỗ lực tăng trưởng khách hàng mục tiêu thông qua các am hiểu từ phân tích nghiên cứu thị trường vi mô, đẩy mạnh các chiến dịch phủ xanh thanh toán QR code, liên tục cải tiến nâng cao trải nghiệm của Khách hàng với những tính năng thuận tiện trên app AB Ditizen.

Quy mô giao dịch trên kênh ngân hàng số vì vậy cũng ghi nhận tăng trưởng, với số lượng khách hàng giao dịch tăng 11,8% và số lượng giao dịch trên kênh số tăng 63% so với năm 2022 (đạt gần 33,3 triệu giao dịch/năm).

2024- tăng tốc số hóa

Có thể thấy, kết quả kinh doanh năm 2023 của nhiều ngân hàng không đạt được như kỳ vọng. Điều này cho thấy, sự khó khăn của thị trường đã ảnh hưởng sâu rộng tới hệ thống tài chính ngân hang.

Trong bối cảnh này, năm 2024, một số ngân hàng đã đầu tư làm mới chiến lược để đạt các mục tiêu đề ra. Cụ thể, ABBANK tập trung nguồn lực triển khai Dự án trọng điểm “Làm mới Chiến lược Ngân hàng”, với sự tư vấn và đồng hành của McKinsey – công ty tư vấn quản trị chiến lược toàn cầu.

Theo đó, năm 2024 là năm bản lề để củng cố nền tảng và tạo cơ sở tăng trưởng cho tương lai. Từ những phân tích nghiên cứu toàn diện về thị trường và khách hàng, ABBANK sẽ ưu tiên triển khai các sáng kiến để đem đến các giải pháp, dịch vụ tốt nhất cho các phân khúc khách hàng mục tiêu ở kênh vật lý và kênh số.

Cụ thể, ABBANK tập trung rà soát địa điểm và tái thiết kế mô hình hệ thống mạng lưới chi nhánh/PGD của ABBANK để có thể tối ưu hoạt đông tư vấn giải pháp và dịch vụ cho khách hàng. Đối với kênh ngân hàng số, ABBANK tiếp tục chú trọng nâng cấp và cải thiện dịch vụ ngân hàng số cho khách hàng Cá nhân và khách hàng SME, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Trên hành trình thực thi chiến lược mới, kế thừa các thế mạnh hiện có về công tác quản trị rủi ro, hạ tầng công nghệ, ABBANK sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ và quyết liệt về mặt cơ cấu tổ chức cũng như mô hình quản trị trên toàn hệ thống để tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. 

Còn với các ngân hàng đã đầu tư lớn cho chuyển đổi số và bước đầu “hái quả ngọt” từ việc đầu tư khủng này như Ngân hàng Quân đội thì năm 2024, số hóa sẽ tiếp tục là điểm nhấn được ngân hàng tăng tốc. “Trong 4 năm tới, MB xác định doanh thu trên nền tảng số sẽ chiếm 50% doanh thu cho ngân hàng.” – ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT cho hay.

Năm 2024, MB tiếp tục bám sát chiến lược giai đoạn 2022-2026. Đặc biệt, MB đặt mục tiêu chinh phục 30 triệu khách hàng trước thềm kỷ niệm sinh nhật MB tròn 30 tuổi (04/11/1994 – 04/11/2024). Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu MB cho biết toàn tập đoàn MB sẽ tăng tốc đầu tư nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn diện, “tăng tốc chuyển đổi số, hấp dẫn khách hàng”.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Chuyển đổi số của ngành ngân hàng là khách hàng sử dụng được tất cả các dịch vụ trên chiếc điện thoại di động một cách liền mạch. Về khía cạnh kỹ thuật, chuyển đổi số là sự kết nối, tích hợp của các thực thể, các tổ chức, cá nhân trong xã hội”.