Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp: Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu
Thitruongtaichinh - Trước thực trạng ngân hàng “thừa” tiền do hạn chế các khoản giải ngân cho vay; trong khi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS lại thiếu vốn để đầu tư. Vì vậy để khơi thông được nguồn vốn này, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Thị trường khủng hoảng
BĐS có vai trò rất lớn trong nền kinh tế, là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị BĐS gồm 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường BĐS. Hoạt động BĐS có hệ số lan tỏa từ 0,5 - 1,7 lần trong nền kinh tế. Riêng 4 ngành lớn có liên quan nhiều là xây dựng (chiếm 6,2% GDP), du lịch (chiếm 1,02% GDP), lưu trú (chiếm 2,27% GDP), tài chính – ngân hàng (chiếm 4,76%) năm 2022. Chỉ với 4 ngành này đã có tác động đến 14,25% GDP của cả nước. Bên cạnh đó, là 1 trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị năm 2022.
Dữ liệu mới đây từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, ngành kinh doanh BĐS đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút nguồn vốn ngoại với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Năm 2023 vừa qua là một năm khó khăn của ngành BĐS, Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành đã làm việc một cách rất quyết liệt với quyết tâm cao nhằm khôi phục trở lại thị trường. Gần 20 động thái được phát đi từ phía Chính phủ một cách liên tục và dồn dập, đã góp phần tạo thêm niềm tin, sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia.
Trong số đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 được cho là tín hiệu cao nhất, mang tính định hướng và chỉ dẫn. Càng ngày, các cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ càng sát hơn so với nhu cầu thực tế của thị trường và DN. Chứng tỏ sự quan sát, lắng nghe một cách sát sao từng động thái của thị trường.
Mặc dù đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực nhưng thị trường BĐS vẫn chưa thể “ấm” trở lại do sự suy giảm mạnh của luồng vốn trong thời gian dài, nhiều DN kinh doanh BĐS gặp khó khăn, dự án bị đình trệ. Hơn hết là tình trạng thiếu nguồn cung và tâm lý chờ “bắt đáy” gây nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới sự phát triển nhiều ngành và tới tốc độ tăng trưởng GDP chung của cả năm.
Một số khuyết nghị
Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục đa dạng hóa và hoàn thiện các kênh huy động vốn đầu tư là một trong những ưu tiên chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường BĐS. Vì vậy, cần thiết phải thực hiện đầy đủ một số khuyến nghị trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn.
Thứ nhất, đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công cần đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục khởi công dự án, hồ sơ, thủ tục đầu tư cần được sớm chuẩn bị. Tiếp đó, phân bổ nguồn vốn đầu tư công sớm tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh nhanh giá cả theo giá thị trường. Một số vật tư nguyên liệu tăng giá, nhiều DN chờ đợi điều chỉnh giá từ cơ quan chức năng.
Cùng với đó là phải đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, giải quyết những vướng mắc tại một số địa phương, một số dự án khó khăn về nguồn vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cần khẩn trương xem xét sửa đổi, dự án nào có vốn ODA cần có quá trình điều chỉnh, sửa đổi tốn nhiều thời gian, chậm tiến độ thi công nên cần rà soát, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý.
Thứ hai, đối với nguồn vốn tín dụng cần thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc và linh hoạt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để có thể thực hiện cho vay theo dòng tiền, cho vay theo hợp đồng của DN kinh doanh BĐS. Hệ thống ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh xem xét, thẩm định các dự án, hợp đồng để có thể thực hiện cho vay theo dòng tiền, cho vay theo hợp đồng; phát hành trái phiếu DN cần tiếp tục xem xét những động thái của DN để kịp thời có biện pháp thay đổi, chỉnh sửa để các cơ chế, chính sách phù hợp với năng lực và tình hình tài chính của DN, trong đó có DN kinh doanh BĐS.
Thứ ba, đối với việc thu hút vốn FDI trong điều kiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% chính thức có hiệu lực. Để thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS cần xem xét đổi mới các biện pháp hỗ trợ các DN FDI trong việc tiếp cận thủ tục đầu tư, ưu đãi trong việc giảm chi phí đầu tư, trong việc giải phóng mặt bằng, trong tuyển dụng công nhân. Đồng thời, cần đẩy mạnh số hóa các hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, xây dựng kho dữ liệu toàn diện để giảm thiểu chi phí tiếp cận, thẩm định và rút ngắn quá trình xét duyệt đưa ra quyết định đầu tư.