Nhà sáng lập Trần Mộng Hùng và hành trình thăng trầm cùng Ngân hàng Á Châu (ACB)
(Thị trường tài chính) - Ông Trần Mộng Hùng- nhà sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB) đã từ trần ngày 25/4, hưởng thọ 72 tuổi. Ông Hùng là bố của Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy, là người có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển của ACB.
Ông Trần Mộng Hùng sinh năm 1953, quê tại tỉnh Tiền Giang. Ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Trước khi bước chân vào thương trường, ông từng là giảng viên trường cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (1978-1980).
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được thành lập đầu thập kỷ 90 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng. Ông Trần Mộng Hùng là một trong những cổ đông sáng lập của Ngân hàng này và sau đó ngồi ghế Chủ tịch HĐQT.
Trong thời gian ông Hùng trực tiếp điều hành, ACB là ngân hàng lớn mạnh nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần. Năm 2005, tổng tài sản của ngân hàng Á Châu đã lên đến 24.272 tỷ đồng, bỏ xa vị trí thứ hai là Sacombank với 11.369 tỷ đồng. Thị phần huy động vốn và cho vay chiếm lần lượt 3,5%, 1,72% trong toàn ngành và 19,28%, 12,11% trong nội bộ hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần.
Bên cạnh đó, ông Hùng cùng cộng sự của mình đã giúp ACB ghi dấu trên thị trường với loạt cột mốc như: Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên phát hành thẻ tín dụng quốc tế MasterCard (1996); ngân hàng đầu tiên thực hiện huy động và cho vay bằng vàng (1998); ngân hàng đầu tiên được kinh doanh vàng tại nước ngoài...
Sau 15 năm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của ACB, đến năm 2008, ông Hùng rời HĐQT, lùi về vị trí cố vấn quản trị và trở thành Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB.
Trong hơn 15 năm đồng hành với ngân hàng, quy mô vốn điều lệ của Á Châu đã tăng lên hơn 1.100 tỷ đồng, vượt xa con số 20 tỷ ban đầu.
Tuy nhiên, sau đại án liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên, năm 2012, ông Trần Mộng Hùng quyết định quay trở lại HĐQT. Đặc biệt, ACB đã quyết định đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, với tiền đề đã được đào tạo bài bản bởi những người đi trước, chính thức bổ nhiệm ông Trần Hùng Huy trở thành Chủ tịch HĐQT ACB ở tuổi 34.
Thời gian này, ông Hùng cùng con trai Trần Hùng Huy và các lãnh đạo khác của ACB vực dậy ngân hàng này.
Sau 4 năm nỗ lực, từ quản trị nhân sự đến rủi ro và hoạt động, đến năm 2016, tình hình ở nhà băng này đã có nhiều tiến triển tích cực. ACB đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, kinh doanh từng bước khởi sắc, nợ xấu được đẩy lùi.
2 năm sau, ông Trần Mộng Hùng rút khỏi HĐQT. Mặc dù không còn là Thành viên HĐQT và cũng không nắm cổ phần nào tại ngân hàng nhưng ông vẫn đảm nhiệm vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro của ngân hàng.
Tại ACB, con trai ông Trần Mộng Hùng là Trần Hùng Huy đến nay đã tiếp quản ngân hàng với vai trò Chủ tịch HĐQT 12 năm liên tiếp. Vợ ông là bà Đặng Thu Thủy vẫn đang giữ vai trò Thành viên HĐQT ngân hàng.
Tính đến ngày 1/5, bà Đặng Thu Thủy đang nắm 46,39 triệu cổ phiếu ACB tương ứng tỷ lệ 1,19% cổ phần (1.245 tỷ đồng), còn ông Trần Hùng Huy sở hữu 133,1 triệu cổ phiếu ACB tương ứng 3,43% cổ phần ACB (3.571 tỷ đồng).
So với năm 2017, giá trị tài sản quy ra từ cổ phần ACB mà các thành viên gia đình ông Trần Mộng Hùng nắm giữ đã tăng 6-7 lần.
Trong hơn 30 năm ACB hoạt động, ông Trần Mộng Hùng luôn thận trọng và minh bạch. Đây cũng là tinh thần nhiều cổ đông nhìn thấy tại ACB dưới thời F2 là ông Trần Hùng Huy.
Trong nhiều năm gần đây, dưới sự chèo lái của chủ tịch Trần Hùng Huy, ACB dần lấy lại được vị thế là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam. ACB có quản trị rủi ro tốt, không bị ảnh hưởng bởi cú sốc trên thị trường trái phiếu hồi năm 2021-2022.
Năm 2020, ACB đã có những bước tiến mới đột phá trong nhiều hoạt động bán lẻ, chẳng hạn như bắt tay với Công ty bảo hiểm Sun Life để tạo nền tảng bancassurance vững chắc, cho đến việc chuyển niêm yết từ Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội sang Sàn Giao dịch chứng khoán TP. HCM.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2024, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, năm 2023, ACB lãi trước thuế 20.068 tỷ đồng, tăng trưởng 17,2% so với năm 2022. Ở quý I/2024, ACB dự kiến đạt 4.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng vẫn bám sát với kế hoạch năm 2024.