HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngân hàng nào đang vô địch tiền gửi không kỳ hạn?

(Thị trường tài chính) - Ngân hàng Quân đội (MB), Techcombank, Vietcombank đang là 3 cái tên vô địch về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng huy động tiền gửi của các ngân hàng. Trong nhóm ngân hàng TMCP cỡ vừa, Ngân hàng Hàng hải (MSB) là một ngôi sao sáng về tỷ lệ này.

MB giữ phong độ số 1, MSB tỏa sáng ở phân khúc ngân hàng quy mô vừa

Theo báo cáo Ngành ngân hàng Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) phát hành ngày 6/12/2023, đa phần CASA các ngân hàng quý 3/2023 đều chứng kiến mức tăng nhẹ so với quý trước. Các chuyên gia KBSV kỳ vọng, tốc độ phục hồi sẽ nhanh hơn trong các quý tới bởi mức lãi suất tiền gửi không còn hấp dẫn như giai đoạn trước trong khi các sản phẩm đầu tư khác ấm dần lên.

Ngân hàng nào đang vô địch tiền gửi không kỳ hạn? - ảnh 1
Trong top các ngân hàng lớn, Ngân hàng Quân đội (MB) vẫn vô dịch về tỷ lệ CASA, xấp xỉ 40% trên tổng huy động

Tính chung 9 tháng năm 2023, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định nhờ nguồn huy động dồi dào. Huy động vốn của hệ thống vẫn ghi nhận tăng trưởng dương trong những tháng gần đây, đạt 5.8% YTD tính đến cuối tháng 9/2023.

Điều này cho thấy thị hiếu tiền gửi vẫn được ưa chuộng khi lãi suất không còn hấp dẫn như trước, nhưng các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán chưa khởi sắc trở lại.

Hiện tại với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn, các ngân hàng sẽ không gặp vấn đề về thanh khoản do nguồn huy động năm nay tương đối dồi dào mà một phần nhờ mặt bằng lãi suất cao trong nửa đầu năm.

Ngân hàng nào đang vô địch tiền gửi không kỳ hạn? - ảnh 2
Trong nhóm ngân hàng TMCP quy mô vừa thì Ngân hàng Hàng Hải (MSB) tỏa sáng, vượt xa các cái tên cùng phân khúc gồm Eximbank, TPBank, LPBank, OCB, HDBank

Tỷ lệ CASA bắt đầu ghi nhận dấu hiệu cải thiện so với quý trước ở một số ngân hàng, tuy nhiên tốc độ hồi phục chung của cả ngành vẫn chưa được như kỳ vọng. Thị hiếu gửi tiết kiệm có kỳ hạn vẫn chiếm ưu thế hơn cũng giải thích một phần cho diễn biến CASA. Các ngân hàng chúng tôi theo dõi có mức CASA được cải thiện đa phần được đóng góp từ nguồn khách hàng doanh nghiệp.

Theo báo cáo của các ngân hàng và thống kê của KBSV, tỷ lệ CASA của các ngân hàng 3 quý năm 2023 của đa số các ngân hàng đều tăng và không thay đổi nhiều về mặt thứ hạng so với cùng kỳ năm trước.

Trong top các ngân hàng lớn, Ngân hàng Quân đội (MB) vẫn vô dịch về tỷ lệ CASA, xấp xỉ 40% trên tổng huy động. Techcombank xếp thứ 2 và Vietcombank xếp thứ 3. Trong nhóm này, Ngân hàng Á Châu (ACB) và VPBank, Sacombank cũng chiến tỷ lệ trên 15%. Trong nhóm ngân hàng TMCP quy mô vừa thì Ngân hàng Hàng Hải (MSB) tỏa sáng, vượt xa các cái tên cùng phân khúc gồm Eximbank, TPBank, LPBank, OCB, HDBank với xấp xỉ tỷ lệ CASA 30%.

Hai cái tên giảm phong độ là LPBank và PGBank, tỷ lệ CASA đi xuống so với cùng kỳ năm 2022.

2024 - lo nợ xấu và chất lượng tài sản ngân hàng

Báo cáo của KBSV đánh giá, chất lượng tài sản cần phải lưu tâm trong năm 2024.

Quý 3/2023, nợ xấu của toàn ngành đã tăng quý thứ tư liên tiếp kể từ khi Thông tư 14 liên quan đến tái cơ cấu nợ Covid-19 hết hiệu lực, tăng lên mức 2.2%. Tuy nhiên mức tăng cL đang có xu hướng chậm lại trong quý 3/2023 ngoại trừ nhóm ngân hàng quốc doanh do ảnh hưởng từ Vietcombank ghi nhận nợ nhóm 4 tăng mạnh.

Việc triển khai Thông tư 02 tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng đã góp phần kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tin 02 đạt 140 nghìn tỷ (chiếm 1.09% tổng tín dụng toàn hệ thống).

Trong số các ngân hàng KBSV có thông tin, VPBank có nợ cơ cấu 14,900 tỷ đồng (~2.86% dư nợ), và BID với gần 20,000 tỷ đồng (~1.5% dư nợ), giúp kiểm soát nợ xấu tăng vọt trong quý này. Các ngân hàng còn lại do áp lực nợ xấu không quá lớn và không ưu tiên sử dụng Thông tư 02 (do phải trích lập nhiều hơn) nên phần nợ tái cơ cấu chiếm tỷ trọng không nhiều trong tổng dư nợ (Vietcombank 0.14%, ACB 0.4%, Techcombank 0.27%, Ngân hàng Hàng hải (MSB) 0.25%, HDBank 0.5%).

Điểm tích cực về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong quý này được thể hiện ở dự nợ nhóm 2 (G2) ghi nhận giảm 7.7% QoQ, trong khi các quý trước tăng liên tục, nợ xấu hình thành tăng chậm hơn so với quý liền trước ở tất cả các nhóm ngân hàng. “Chúng tôi nhận thấy áp lực lên nhóm ngân hàng TMCP lớn và vừa (MBB, Techcombank, TPBank, MSB…) vẫn còn do chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và những khó khăn từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng tạm thời sẽ được kiểm soát ở mức hiện tại cho đến hết năm 2023, tuy nhiên sẽ cần lưu ý hơn khi bước sang năm 2024”- báo cáo của KBSV đánh giá.

Năm 2024, những rủi ro khiến nợ xấu có thể phình to có nguyên nhân từ Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ; Bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều.

Theo KBSV, các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, trích lập đầy đủ, bộ đệm dự phòng vững chắc, ít phơi nhiễm với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Nhóm ngân hàng top dưới với tỷ kệ bao phủ thấp (chỉ dưới 50%) sẽ chịu nhiều áp lực và không có dư địa để loại bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối.