HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngân hàng lãi khủng và những bài toán khó năm 2024

Song Anh

(Thị trường tài chính) - Bức tranh tài chính năm 2023 của các ngân hàng thuộc nhóm Big4 gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã được hé lộ từ cuối tuần qua. Dù các con số khá lạc quan, tuy nhiên, bài toán nợ xấu và yêu cầu “tập trung cho vay DN nhưng không được hạ chuẩn tín dụng, đảo bảo thu hồi nợ, hỗ trợ DN nhưng không để ngân hàng lỗ” vẫn là một bài toán khó với các ngân hàng.

Những con số kỷ lục về lợi nhuận

Tại một Hội nghị cuối tuần qua, đại diện lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng đã hoàn thành lợi nhuận trước thuế hoàn thành kế hoạch được giao (cụ thể tăng 10,2% so với năm 2022). Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,78% và 21,68%.

Ngân hàng lãi khủng và những bài toán khó năm 2024 - ảnh 1
Lợi nhuận của nhiều "ông lớn" ngân hàng như BIDV, Vietcombank... đạt mức kỷ lục, tuy nhiên, nợ xấu và bài toán hỗ trợ DN nhưng không hạ chuẩn cho vay vẫn nan giải với các ngân hàng

 

Trước đó, Vietcombank ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của nhà băng này năm 2023 ước đạt khoảng 41.200 tỷ đồng.

Với kết quả trên, Vietcombank đã xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì khoảng cách lớn với các nhà băng trong nhóm Big4 như BIDV, VietinBank và Agribank.

Với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đến hết 31/12/2023, các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng này đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, tổng tài sản đạt 2,26 triệu tỷ đồng; huy động vốn năm 2023 của BIDV đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV năm 2023 đạt trên 27.400 tỷ đồng. Như vậy, lãi ngân hàng này năm 2023 đã tăng 19% so với năm 2022, đạt mức kỷ lục.

Còn theo thông tin từ Agribank, năm 2023, ngân hàng tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông". Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định. Nợ xấu dưới 2%. Kết quả kinh doanh đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất đối với ngân sách Nhà nước. Lợi nhuận trước thuế của Agribank ước đạt 25.300-25.400 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Agribank.

Một cái tên khác trong nhóm Big4 là Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank), Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết, năm 2023 mặc dù bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh của ngân hàng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022. Ông Trần Minh Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tích cực ngay từ đầu năm và duy trì tăng trưởng bền vững. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,15%, nằm trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Tỷ lệ bao phủ nợ đạt 160%, duy trì ở mức cao. Huy động vốn của VietinBank tăng 13,7%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27%. Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 3/2023, tỷ lệ nợ xấu VietinBank cuối tháng 9/2023 là 1,37%. Ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023. Ngân hàng tiếp tục tăng cường năng lực tài chính khi hoàn tất tăng vốn điều lệ lên hơn 53.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 11,74% từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020.

Nỗi lo nợ xấu và bài toán khó “hỗ trợ DN nhưng không hạ chuẩn cho vay, không để ngân hàng lỗ”

Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán VCBS, nợ xấu vẫn là câu chuyện đáng lưu ý của hệ thống ngân hàng năm 2024, dù chỉ số này vẫn trong tầm kiềm soát nhờ các thông tư và chính sách hỗ trợ và khách hàng quay lại trả nợ khi áp lực chi phí lãi vay giảm bớt. Trong kịch bản Thông tư 02/2023/TT-NHNN không được gia hạn, dự báo tỷ lệ nợ xấu toàn ngành (loại trừ SCB và các ngân hàng chuyển giao bắt buộc) tăng nhanh khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả, tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm kể từ quý II/2024, tuy nhiên có sự phân hóa.

Theo đó, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải.  Nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 - 2025.

Dự báo, lợi nhuận tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong năm 2024, với mức tăng trưởng 10%, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Tại Hội nghị cuối tuần qua của Vietinbank, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị, các ngân hàng nói chung tập trung tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay cũ và cho vay trung, dài hạn.  

Theo Phó thống đốc, thời gian phê duyệt của một số ngân hàng TMCP kéo dài hàng tháng, khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Đại diện NHNN yêu cầu, VietinBank và các ngân hàng nói chung phải đứng cùng doanh nghiệp, chung vốn làm ăn với doanh nghiệp. “Tập trung cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp song không được hạ chuẩn tín dụng, cho vay song phải đảm bảo thu hồi được nợ, hỗ trợ doanh nghiệp song không để ngân hàng bị lỗ”, Phó Thống đốc nói.