Liên kết với hàng chục ngân hàng, VNPay làm ăn ra sao?
(Thị trường tài chính) - Theo giới thiệu trên website, hiện VNPay đã liên kết với hàng chục ngân hàng trong nước như: Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Techcombank, ABBank, ACB, Bac A Bank, BIDC, GPbank, HDbank, LPbank, OCB...
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy sự đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân đã vượt qua con số 182,88 triệu, tăng đáng kể lên 21,8% so với năm 2022.
Trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt đã tăng đến 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị. Giao dịch qua ngân hàng internet tăng mạnh lên 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị, trong khi qua ngân hàng di động cũng tăng cao lên 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị.
Trong số các ứng dụng trung gian thanh toán có doanh thu cao nhất, không thể không nhắc đến VNPay của Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay).
Năm 2009, VNPay trở thành một trong những công ty đầu tiên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ thanh toán Ví điện tử theo Quyết định số 675/QĐ-NHNN. Đến tháng 10.2015, VNPay chính thức được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo giới thiệu trên website, hiện VNPay đã liên kết với hàng chục ngân hàng trong nước như: Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Techcombank, ABBank, ACB, Bac A Bank, BIDC, GPbank, HDbank, LPbank, OCB...
Hé lộ nhóm cổ đông của VNPay
VNPay được thành lập vào tháng 3/2007, có trụ sở chính tại phố Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp là bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet.
Về vốn điều lệ, dữ liệu cho thấy, vào tháng 2/2016 VNPay thực hiện tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng, trong đó ông Lê Tánh góp 5%, Trần Trí Mạnh góp 28,15%, Trần Văn Kỳ góp 21,67%, các cổ đông còn lại không được tiết lộ.
Sau nhiều lần tăng vốn, tới ngày 16/2/2023, vốn của VNPay tăng lên 3.568,5 tỷ đồng, không rõ cổ đông góp vốn. Tại đăng ký thay đổi gần nhất vào tháng 3/2024, đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Lê Tánh (SN 1976) kiêm Tổng Giám đốc Công ty.
VNPay chính là hạt nhân lõi trong hệ sinh thái của CTCP Tập đoàn Cuộc Sống Việt (VNLife). Tập đoàn này do ông Trần Trí Mạnh nắm vị trí Chủ tịch HĐQT. Ông Mai Thanh Bình và ông Mạnh cùng là Đại diện pháp luật của Công ty.
VNLife được thành lập vào cuối năm 2018, với vốn điều lệ ban đầu gần 150 tỷ đồng, 4 cổ đông sáng lập gồm: ông Trần Trí Mạnh nắm 28,146%, ông Lê Tánh góp 4,991%, ông Trần Văn Kỳ 21,674% và ông Mai Thanh Bình (SN 1981, quốc tịch Singapore) góp 45,189%.
Tại thay đổi gần nhất vào tháng 4/2024, VNLife đã giảm vốn từ mức hơn 251 tỷ đồng xuống còn 224,7 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu cổ đông ngoại gồm: SVF PIONEER SUBCO (SINGAPORE) PTE. LTD góp 22,581%, PAYPAL PTE.LTD. góp 2,19%, VANTAGE DF HOLDINGS,LP góp 6,569%, GENERAL ATLANTIC SINGAPORE VNL PTE.LTD góp 8,877%, EDB INVESTMENT S PTE LTD góp 0,866%, ARDOLIS INVESTMENT PTE. LTD. góp 15,235%.
VNPay làm ăn thế nào?
Dữ liệu cho thấy, những năm gần đây VNPay ghi nhận doanh thu khá lớn. Giai đoạn 2019-2022, doanh thu của Công ty liên tục tăng trưởng, lần lượt ở mức 12.364 tỷ đồng, 17.631 tỷ đồng, 22.206 tỷ đồng và 29.937 tỷ đồng.
Dù vậy, lãi mang về của VNPay lại rất mỏng. Cụ thể từ 2019-2022 lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt lần lượt: 35 tỷ đồng, 171 tỷ đồng, 319 tỷ đồng và năm 2022 chỉ còn vỏn vẹn 19,5 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,6%.
Sang năm 2023, dữ liệu cho thấy doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 31.188 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2022. Lãi sau thuế tăng vọt lên 244 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 5,6%
Doanh thu hoạt động tài chính trong năm 2023 cũng tăng mạnh từ 31 tỷ đồng (năm 2022) lên 172 tỷ đồng (năm 2023, gấp 5,5 lần). Doanh thu tài chính ghi nhận chủ yếu là tiền lãi tiền gửi và tiền cho vay.
Tại ngày 31/12/2023, VNPay ghi nhận thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng từ 35 tỷ đồng lên 84 tỷ đồng; phải trả người lao động tăng từ 80 tỷ đồng lên 132 tỷ đồng.