Lãi suất cố kìm vẫn khó đứng yên, ngoại hối thôi hấp dẫn
(Thị trường tài chính) - Từ nay đến cuối năm, bên cạnh yếu tố tăng lãi suất huy động, nợ xấu đang tăng cũng là nguyên nhân làm tăng lãi suất cho vay. Về tỷ giá, các chuyên gia cho rằng, tỷ giá iếp tục tăng dù không mạnh như từ đầu năm đến nay nhưng không còn là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn.
Mạnh tay cho vay, lãi suất sẽ tăng?
Tại Hội thảo "Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm" do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tiền gửi ngân hàng trong 6 tháng đầu năm tăng chậm với lãi suất huy động tiếp tục giảm và các kênh đầu tư khác như vàng và chứng khoán trở nên “hot” hơn. Trong khi đó lãi suất cho vay chỉ giảm nhẹ. Trong nửa năm sau, với các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn, các ngân hàng sẽ mạnh tay cho vay hơn.
Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để tăng huy động và tăng cho vay, mà tại thời điểm này điều đó đã xảy ra. Lãi suất huy động tăng có khả năng kéo theo lãi suất cho vay. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong nửa năm sau của 2024.
Lãi suất cho vay tăng là rủi ro hiện hữu từ nay đến cuối năm, theo nhiều chuyên gia. TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ: "Tôi cũng lo lãi suất có xu hướng tăng. Dù Chính phủ muốn giảm lãi suất xuống, nhưng không xuống nổi. Cho dù tìm các cách để kiềm chế lãi suất thì lãi suất vẫn bò, trường dần dần tăng trở lại. Hiện nay chưa có yếu tố nào hỗ trợ việc giảm lãi suất như chúng ta mong muốn".
Thực tế với lãi suất huy động, gần đây một vài ngân hàng đã rục rịch tăng, còn lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp.
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, bên cạnh yếu tố tăng lãi suất huy động, nợ xấu đang tăng cũng là nguyên nhân được ông Hiếu chỉ ra có thể tác động làm tăng lãi suất cho vay. Nợ xấu tăng lên cao, nguồn vốn mà ngân hàng cho vay ra không trở lại với ngân hàng nên phải huy động vốn mới. Các yếu tố kết hợp buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay lên. "Tôi mong các ngân hàng làm sao có thể kiềm chế lãi suất cho vay ở mức như hiện tại, nhưng không có gì đảm bảo. Từ nay đến cuối năm, dự báo lãi suất huy động có thể tăng từ 0,5 - 1%. Lãi suất cho vay sẽ tăng nhẹ hơn lãi suất huy động", ông Hiếu nói.
Tỷ giá không còn hấp dẫn
Về tỷ giá, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, với những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024 triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan cho nửa năm sau nếu FED quyết định hạ lãi suất, làm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, lạm phát và tác động tích cực đến các cân đối vĩ mô khác. Ở chiều ngược lại, nếu FED dưới sức ép của Đảng Cộng hòa hoãn lại việc giảm lãi suất thì nhiều bất lợi cho kinh tế Việt Nam dược dự báo, trong đó có việc tỷ giá và lạm phát tăng và những tác động bất lợi cho đầu tư nước ngoài.
Đối với thị trường ngoại hối, tỷ giá đã tăng gần 5% từ đầu năm đến nay và hiện đang ở mức khoảng 25.320 VND/USD. Nhìn về 6 tháng cuối năm 2024, với những biến động trên thị trường tài chính thế giới, đặc biệt khi Mỹ giảm lãi suất có thể áp lực về tỷ giá sẽ giảm. Nhưng nhiều bất ngờ có thể xảy ra liên quan đến cuộc tranh cử Tổng thống tại Mỹ và chính sách tiền tệ của FED. Dầu sao, thị trường ngoại hối không còn là kênh đầu tư hấp dẫn như nhiều năm trước đây.
Lạc quan hơn, theo ông Trần Tuấn Tài, Giám đốc đầu tư của Sơn Kim Retail cho biết, trong khảo sát gần nhất của Reuters thực hiện với khoảng 100 chuyên gia và nhà đầu tư, dự đoán FED sẽ giảm lãi suất 1-2 lần từ giờ đến cuối năm (tháng 9 và tháng 12). Lần đầu tiên kỳ vọng sẽ giảm 25 điểm %.
"Khi FED giảm lãi suất thì sẽ giảm áp lực tỷ giá lên Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục quay lại với Việt Nam. Khi áp lực tỷ giá giảm, nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt lên. Những chỉ số như GDP và chỉ số việc làm cũng sẽ tốt hơn, từ đó sẽ tác động tích cực đến hoạt động đầu tư của các định chế tài chính trong các lĩnh vực khác nhau", ông Trần Tuấn Tài đánh giá.