HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Hạ trần sở hữu có phải phương án tốt nhất để xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững?

Túc Mạch

(Thị trường tài chính) - NHNN cần có các chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các ngân hàng cung cấp thông tin sai lệch hoặc cố tình vi phạm quy định. Hình phạt cao nhất có thể là đóng cửa ngân hàng nếu sự thiếu minh bạch không được khắc phục trong thời gian nhất định.

Hạ trần sở hữu có phải phương án tốt nhất để xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững? - ảnh 1
Hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam”

Siết tỷ lệ sở hữu để dễ kiểm soát

Tại Hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” do Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp CLB Café Số (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, sở hữu chéo tại Việt Nam xuất hiện từ cuối thập niên 1980, khi nền kinh tế còn hạn chế về nguồn vốn. Một đồng vốn thường được sử dụng để trở thành vốn điều lệ của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp khác, tạo nên mạng lưới sở hữu chéo phức tạp, làm gia tăng nguy cơ thao túng và chi phối hệ thống ngân hàng.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 bổ sung các quy định nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo và thao túng hệ thống tài chính. Một trong những trọng tâm của luật mới là giảm trần tỷ lệ sở hữu. Theo đó, cổ đông cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ ngân hàng, cổ đông tổ chức không quá 10% và cổ đông cùng người có liên quan không được sở hữu quá 15%.

Bên cạnh đó, quy định mới cũng siết chặt giới hạn cấp tín dụng, yêu cầu các TCTD giảm dần tỷ lệ tín dụng tối đa cho một khách hàng xuống còn 10% vốn điều lệ và cho nhóm khách hàng có liên quan xuống 15% từ năm 2029. Quy định này nhằm hạn chế rủi ro phụ thuộc vào một số khách hàng lớn và giảm nguy cơ sụp đổ dây chuyền khi xảy ra nợ xấu.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, việc kiểm soát sở hữu chéo vẫn đối mặt với những khó khăn lớn. Luật sư Trương Thanh Đức chỉ ra rằng, một số cổ đông lớn và người liên quan có thể cố tình lách luật bằng cách nhờ cá nhân khác đứng tên hộ cổ phần. NHNN cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát sở hữu giữa các công ty ngoài ngành và ngân hàng.

Hạ trần sở hữu có phải phương án tốt nhất để xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững? - ảnh 2
Luật sư Trương Thanh Đức

TĐTC cần được nhìn nhận như một pháp nhân độc lập

Đồng tình với quan điểm này, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng - Phạm Xuân Hòe cho biết, việc sở hữu chéo, cấu trúc phức tạp và thiếu minh bạch thông tin là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ rủi ro hệ thống. Việc ưu đãi nội bộ hay thậm chí có những trường hợp tuồn vốn cho các công ty sân sau trong tập đoàn tạo ra các vấn đề nghiêm trọng về minh bạch tài chính.

Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhấn mạnh, giải pháp trọng tâm để phát triển bền vững hệ thống TĐTC nằm ở việc hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường giám sát.

“Cần công khai đầy đủ thông tin về thu nhập cá nhân của các cổ đông lớn và lãnh đạo trong tập đoàn. Việc kiểm toán độc lập các báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ của các công ty trong tập đoàn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính minh bạch. Đồng thời, các giao dịch nội bộ giữa các công ty trong tập đoàn phải được giám sát chặt chẽ và báo cáo định kỳ”, ông Phạm Xuân Hòe kiến nghị.

Hạ trần sở hữu có phải phương án tốt nhất để xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững? - ảnh 3
Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng - Phạm Xuân Hòe

Bổ sung thêm thông tin, Luật sư Trương Thanh Đức, ông cho rằng, “Danh sách toàn bộ cổ đông và khách hàng vay vốn cần được công khai trên trang web ngân hàng để tạo điều kiện giám sát từ công chúng. Ngoài ra, NHNN cần xây dựng một cơ chế giám sát thông minh, sử dụng công nghệ hiện đại để phát hiện các hành vi lách luật”.

Vị Luật sư này cũng cho rằng, về dài hạn, các TĐTC cần được nhìn nhận như một pháp nhân độc lập, với các yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt hơn về vốn tối thiểu, thanh khoản và quản lý rủi ro. Điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa NHNN, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả.

Mạnh tay “xóa sổ” ngân hàng cố tình vi phạm

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng tại Việt Nam đang diễn ra dễ dàng, bắt nguồn từ việc sử dụng tiền đi vay để mua cổ phiếu. Ông nhấn mạnh rằng điều này không chỉ sai về nguyên tắc quản trị mà còn vi phạm các chuẩn mực hạch toán và kế toán. Việc sở hữu chéo hiện nay chính là hệ quả từ hành động vay tiền để đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong quá khứ.

Lấy ví dụ từ Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra rằng, hệ thống ngân hàng tại đây có những quy định rất chặt chẽ. Khi thành lập ngân hàng, tất cả nguồn vốn phải là tiền cá nhân, được tiết kiệm và hoàn toàn không phải là tiền đi vay. Người sáng lập phải tuyên thệ rằng thông tin về nguồn vốn là trung thực và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hạ trần sở hữu có phải phương án tốt nhất để xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững? - ảnh 4
TS Nguyễn Trí Hiếu

Tại Việt Nam, dù Luật Các tổ chức tín dụng đã sửa đổi nhằm giới hạn quyền sở hữu cổ phiếu ngân hàng, nhưng ông cho rằng vấn đề không nằm ở việc hạ thấp tỷ lệ, mà ở chỗ các tổ chức, cá nhân cần phải tuân thủ quy định. So sánh với bên Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra, việc sở hữu cổ phiếu ngân hàng tại quốc gia không bị giới hạn tỷ lệ, thậm chí có thể lên tới 100% nếu chủ sở hữu chứng minh được nguồn vốn là hợp pháp, không phải tiền vay mượn và có kế hoạch vận hành rõ ràng.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh vai trò của cơ quan thanh tra trong việc đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ của các ngân hàng. Ở nước ngoài, hệ thống thanh tra được vận hành nghiêm ngặt với sự tham gia của nhiều cơ quan độc lập, như Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang và Cơ quan Quản lý Ngân hàng Tiểu bang. Trong khi đó, ở Việt Nam, chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chức năng thanh tra, dẫn đến nguy cơ thiếu minh bạch nếu cơ quan này bị thao túng.

TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất rằng việc thanh tra ngân hàng tại Việt Nam cần được quy định lại. Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia nên tham gia giám sát ngân hàng, cùng với các cơ quan chính phủ để đảm bảo tính minh bạch và khách quan. Hơn nữa, NHNN cần có các chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các ngân hàng vi phạm. Trong trường hợp ngân hàng cung cấp thông tin sai lệch, hình phạt cao nhất có thể là đóng cửa ngân hàng nếu sự thiếu minh bạch không được khắc phục.

Để tăng cường hiệu quả quản lý, ông đề xuất NHNN đưa ra thời gian cụ thể cho các ngân hàng khắc phục vi phạm, ví dụ 30, 60 hoặc 90 ngày. Sau thời hạn này, nếu các ngân hàng không thực hiện đúng quy định, NHNN cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như đóng cửa hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.