Giá vàng tăng vọt, người dân không thể mua vào, quản lý vàng đã ổn?
(Thị trường tài chính) - Giá vàng tăng vọt, nhưng người dân có nhu cầu mua vàng đến cửa hàng của các doanh nghiệp lớn vẫn không thể mua nổi nhẫn tròn trơn hay vàng miếng 9999. Câu hỏi về việc có hay không việc doanh nghiệp "ém" vàng chờ giá tăng cao hơn và các giải pháp quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước có phát huy hiệu quả đang được đặt ra.
Người mua “khát” vàng
Ngày 22/10, theo khảo sát của PV Thị trường Tài chính tại một số cửa hàng vàng của các DN trên đường Quang Trung- Hà Đông- Hà Nội, có khá nhiều khách hàng có nhu cầu mua vàng miếng và vàng nhẫn, tuy nhiên, họ đều đến và đi về tay không.
Cụ thể, tại cửa hàng của Tổng công ty Vàng Agribank- Chi nhánh Hà Đông- Trung tâm vàng bạc số 1 (số 10- Quang Trung- Hà Đông- Hà Nội), rất nhiều khách hàng đang chờ đợi để mua vàng nhẫn. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng này cho biết, họ đang hết hàng, lúc nào có người bán ra, cửa hàng mua được thì mới có bán cho khách hàng. Và thời gian nào có vàng bán ra thì nhân viên cũng không biết. Nhân viên cửa hàng cũng khuyến cáo người dân nên gọi điện trước, để đỡ mất công đến cửa hàng nếu không có vàng bán.
Tương tự, ngày 10/10, có tình trạng rất nhiều người chờ đợi bên ngoài cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu (139 Cầu Giấy- Hà Nội) vì "lỡ đến rồi, chờ xem lúc nào có để mua vài chỉ vàng tròn trơn". Tại thời điểm này, theo nhân viên Bảo Tín Minh Châu, cửa hàng vẫn chưa biết thời điểm nào có vàng để bán. Thời điểm nào có vàng thì cửa hàng sẽ bán ra nhưng không cụ thể lúc nào sẽ có vàng.
Thị trường vàng tại Việt Nam đang trong giai đoạn biến động mạnh. Theo khảo sát mới nhất vào trưa ngày 22/10, giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng, sau khi tăng thêm 2 triệu đồng/lượng chỉ trong phiên giao dịch trước đó. Hiện tại, vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng, với chênh lệch mua bán lên đến 2 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng một tháng qua, giá vàng miếng đã tăng 7 triệu đồng/lượng, từ mức 82 triệu đồng lên 89 triệu đồng/lượng.
Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Nhẫn tròn trơn đã lập kỷ lục nhiều lần trong tháng qua, với mức tăng 7,3 triệu đồng/lượng, từ 79,1 triệu đồng lên 86,4 triệu đồng/lượng bán ra.
Mặc dù giá vàng tăng mạnh, nhu cầu mua vàng của người dân không hề suy giảm. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải ai cũng có đủ may mắn để mua được vàng. Nhiều khách hàng khi truy cập vào các trang web, ứng dụng của ngân hàng hoặc tới trực tiếp các cửa hàng vàng đều gặp khó khăn trong việc mua hàng.
Theo một số người dân phản ánh, nhiều cửa hàng vàng thông báo không có vàng nhẫn để bán, chỉ bán ra khi mua lại từ người dân. Chị Lan, một khách hàng tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã cố mua vàng miếng qua ứng dụng ngân hàng nhưng không thành công. Khi tới cửa hàng, tôi lại được báo là không có vàng nhẫn để bán. Cuối cùng, sau nhiều lần gọi điện đặt trước, tôi chỉ có thể mua được tối đa 5 chỉ”.
Doanh nghiệp kinh doanh vàng có đang "ém" vàng?
Giá vàng trong nước không chỉ chịu ảnh hưởng từ giá vàng thế giới mà còn từ cung cầu nội địa. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hiện nay giá vàng thế giới đang ở mức rất cao, với giá vàng trên Kitco ghi nhận vào sáng ngày 22/10 ở mức 2.736 USD/ounce, tương đương khoảng 84,57 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí). Như vậy, vàng miếng SJC tại Việt Nam đang cao hơn giá thế giới khoảng 3,4 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định, hiện tại cung không đáp ứng đủ cầu. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng dù vẫn mua vào bình thường nhưng bán ra nhỏ giọt, khiến nhiều người tiêu dùng khó khăn trong việc mua vàng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các doanh nghiệp đang cố tình giữ lại vàng, chờ giá tăng cao hơn để bán ra.
Ông Thịnh phân tích: "Nhiều doanh nghiệp có thể đang hạn chế bán ra với kỳ vọng rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này gây khó khăn cho người mua. Tuy nhiên, quyền mua bán là quyền của doanh nghiệp, họ không sai theo cơ chế thị trường”.
Nói về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng, ông Thịnh cho rằng thuế này chỉ nên áp dụng cho những đối tượng kinh doanh vàng, những người đầu cơ, mua bán liên tục để tránh gây bất ổn cho thị trường chứ không nên đánh thuế vào người dân mua tích trữ nhỏ lẻ nhằm mục đích bảo vệ tài sản.
Một trong những lý do lớn khiến người dân đổ xô đi mua vàng chính là tâm lý kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Theo các chuyên gia, đây là yếu tố khiến thị trường càng thêm nóng. Nhiều doanh nghiệp cũng dự đoán giá vàng sẽ còn tăng cao, nên họ tích cực mua vào và hạn chế bán ra, làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm.
Quản thị trường vàng có đang bối rối?
Trước tình trạng giá vàng leo thang và khan hiếm nguồn cung, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc giá vàng tăng như hiện tại không hoàn toàn do lỗi của NHNN, mà chủ yếu do tác động từ giá vàng thế giới.
Trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều chính sách kiểm soát chặt chẽ việc mua bán vàng miếng, hạn chế hoạt động đầu cơ và bình ổn giá vàng trong nước. Tuy nhiên, nếu nguồn cung từ các doanh nghiệp không được cải thiện, NHNN sẽ cần phải can thiệp nhiều hơn để đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho người tiêu dùng.
Theo vị chuyên gia này, dù giá vàng tiếp tục tăng và nhu cầu mua vàng vẫn lớn, tuy nhiên người dân không nên vội vàng chạy theo cơn sốt vàng mà cần xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. “Vàng luôn là kênh đầu tư an toàn, nhưng trong thời điểm thị trường biến động như hiện tại, việc đầu tư vàng cần phải cẩn trọng. Người dân nên cân nhắc kỹ lưỡng, tránh mua vào khi giá đang ở đỉnh cao, vì có thể đối diện với rủi ro nếu giá giảm đột ngột”, ông nhấn mạnh.