Giá vàng hôm nay 13/1: Tăng vọt sau dữ liệu kinh tế của Trung Quốc
Thitruongtaichinh - Giá vàng hôm nay (13/1), thị trường thế giới sáng nay tiếp tục tăng vọt so với phiên trước. Hôm qua, Trung Quốc đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 giảm phát tháng thứ 3 liên tiếp. Giá vàng đã được hưởng lợi khi dự báo rủi ro gia tăng.
Lúc 6 giờ 5 phút sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đảo chiều giảm về ngưỡng 2.049 USD/ounce, tăng mạnh 21 USD/ounce so với phiên trước đó.
Giá vàng giao theo hợp đồng tháng 2/2024 cùng thời điểm trên giao dịch quanh mức gần 2.049 USD/ounce, tăng 20 USD/ounce so với chốt phiên trước đó.
Chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 2.049 USD/ounce, cũng tăng 21 USD/ounce so với chốt phiên trước.
Đứng phiên giao dịch ngày 12/1, giá vàng SJC trên thị trường tự do và các doanh nghiệp bật tăng mạnh so với phiên trước. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC đứng quanh mức 73,5 – 76,1 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 73,5 – 76,12 triệu đồng/lượng (mua – bán). Các thị trường trên đều tăng mạnh 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 73,45 – 75,95 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 73,8 – 75,95 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 950.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,45 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch mua – bán từ mức 1,6 triệu đồng tăng lên 2,15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn phiên hôm qua cũng tăng so với phiên trước. Cụ thể. giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 63,23 – 64,28 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 350.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,05 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 62,85 – 63,75 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch mua – bán ở mức 950.000 đồng/lượng.
Sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 thì hôm qua Trung Quốc đã công chỉ số này. 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới cho thấy chỉ số CPI trái ngược nhau.
Cụ thể, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, CPI trong tháng 12/2023 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát kể từ tháng 7/2023.
Tính chung cả năm 2023, lạm phát ở Trung Quốc tăng trung bình 0,2%. Chỉ số giá sản xuất (PPI) - thước đo lạm phát giá bán buôn trong tháng 12/2023 cũng giảm 2,7%. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp chỉ số PPI của Trung Quốc giảm. Chỉ số này là chỉ báo cho biết khả năng nhiều nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chưa thể hết giảm phát.
Trái ngược với nền kinh tế lớn nhất là Mỹ trước đó đã công bố chỉ số CPI tháng 12/2023 tăng 0,3%, cao hơn ước tính 0,2% và là mức tăng lớn nhất trong 3 tháng qua. Tính chung 12 tháng, CPI cả năm 2023 tăng 3,4%.
Chuyên gia và cả giới đầu tư cho rằng, ở 2 nền kinh tế lớn nhất – nhì thế giới có diễn biến trái chiều về lạm phát đều đưa đến rủi ro cho kinh tế toàn cầu.
Cụ thể kinh tế Mỹ, khi lạm phát tăng trở lại thì Ngân hàng Trung ương là Cục dự trữ Liên bang phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Khi lãi suất đồng USD vẫn duy trì ở mức cao, sẽ khiến nhiều nền kinh tế khác gặp khó khăn khi đồng nội tệ thấp hơn nhiều giá trị đồng USD.
Còn Trung Quốc giảm phát, cho thấy nền kinh tế này đã có nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng nhưng chưa có hiệu quả. Mới đây, ngành ngân hàng Trung Quốc cung cấp thông tin một lượng vốn kỷ lục đã được cho vay mới trong tháng 11/2023 trị giá 1.170 tỷ nhân dân tệ, tương đương 163,31 tỷ USD, tăng so với con số 1.090 tỷ nhân dân tệ so với tháng trước đó.
Tính đến hết 11 tháng năm 2023, lượng vốn cho vay mới tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục với 22.750 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.Mặc dù, lượng vốn rót vào nền kinh tế lớn chưa từng thấy, nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn ì ạch lấy lại đà tăng trưởng, thậm chí còn giảm phát như số liệu kể trên. Niềm tin kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp tại Trung Quốc vẫn không mấy khả quan.
Giới đầu tư và chuyên gia cho rằng, lượng vốn đổ vào nền kinh tế lớn nhưng không mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẽ khiến Trung Quốc gánh thêm các khoản nợ. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ trong ngành bất động sản vẫn chưa được giải quyết, đang gây nguy cơ vỡ nợ ở nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế - bất động sản ở nước này.
Như vậy, lạm phát gia tăng ở Mỹ và giảm phát ở Trung Quốc đều không được thị trường mong đợi, bởi nó mang đến những rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Do đó giới đầu tư đã đẩy mạnh mua vàng để bảo toàn vốn.