Giá vàng đạt kỷ lục, đà tăng còn tiếp tục?
Theo ngân hàng Đức Commerzbank, giá vàng sẽ giữ mức cao kỷ lục trong thời gian còn lại của năm 2024. Trong khi đó, ngân hàng Canada dự báo giá vàng sẽ đạt mức cao nhất vào quý cuối cùng của năm 2024.
Giá vàng có tháng tăng tốt nhất từ năm 2020
Giá vàng thế giới tiếp tục lập kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 28/3, đồng thời chứng kiến tháng tăng tốt nhất trong hơn 3 năm, nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm giảm lãi suất cùng với nhu cầu trú ẩn an toàn tăng mạnh.
Cụ thể, giá vàng hợp đồng giao ngay tăng 1,22% lên mức 2.220,86 USD/ounce, ghi nhận tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 7/2020 khi leo dốc tới 9% và tăng quý thứ 2 liên tiếp. Giá vàng thiết lập kỷ lục mới 2.225,09 USD/ounce vào đầu phiên. Giá vàng hợp đồng tương lai cộng 1,2% lên 2.238,4 USD/ounce.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali tại TD Securities nói với đài CNBC: “Nhà đầu tư tích cực mua vào trước kỳ nghỉ lễ và hoạt động giao dịch tăng vào cuối tháng và cuối quý, những lý do trên đã thúc đẩy giá vàng”.
Theo chuyên gia Ghali, giá vàng có thể tăng hơn nữa khi thị trường đặt cược vào chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh tay của Fed.
Trong khi đó, ông Everett Millman - giám đốc phân tích thị trường tại Gainesville Coins, nhận định: “Giá vàng trong ngắn hạn vẫn được hỗ trợ đi lên do leo thang căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu, điều này có thể thúc đẩy nhà đầu tư chuyển sang vàng như một tài sản dự trữ trung lập”.
Báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi của Mỹ dự kiến công bố vào ngày 29/3, dữ liệu này có thể giúp nhà đầu tư đánh giá lập trường chính sách của Fed trong những tháng tới.
Nhà đầu tư hiện dự báo xác suất 64% Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 6, theo công cụ CME’s FedWatch.
Vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh?
Ngân hàng BMO Capital Markets của Canada mới đây đã nâng các dự báo về giá vàng trong ba năm tới, với mức cao nhất vào quý cuối cùng của năm 2024.
Trong một báo cáo được công bố hôm 27/3, các chuyên gia hàng hóa của BMO Capital Markets dự báo giá vàng trung bình trong năm nay sẽ dao động trong khoảng 2.169 USD/ounce, tăng 11% so với dự báo trước đó. Đồng thời, họ dự đoán giá vàng trung bình trong năm tới sẽ ở khoảng 2.100 USD/ounce, tăng 12% so với ước tính đưa ra hồi tháng 12/2023.
Giá vàng dự kiến sẽ đạt trung bình khoảng 2.000 USD/ounce vào năm 2026 và 1.950 USD/ounce vào năm 2027, tăng lần lượt 8% và 3% so với ước tính tháng 12.
Năm nay, BMO Capital Markets dự báo giá vàng trung bình sẽ đạt khoảng 2.250 USD/ounce trong quý 4, tăng 13% so với ước tính trước đó.
Các chuyên gia của ngân hàng Canada cho rằng việc giá vàng liên tục thiết lập kỷ lục mới trong thời gian gần đây là dấu hiệu cho thấy kim loại quý này đang bước vào chu kỳ tăng giá mới.
Trong khi đó, các nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Đức Commerzbank nhận định, thị trường vàng khó có thể tiếp tục lập các mức đỉnh mới trong trong thời gian còn lại của năm 2024 vì “có rất ít cơ sở để biện minh cho mức cao kỷ lục gần đây của vàng, tới trên 2.220 USD/ounce”.
Trong báo cáo mới nhất, chuyên gia Thu Lan Nguyen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Commerzbank cho biết vàng có thể tăng cao hơn nữa sau khi đã tăng hơn 9% trong tháng 3.
Tuy nhiên, chuyên gia của Commerzbank dự báo giá kim loại quý sẽ không giảm nhiều. “Cơ hội để giá vàng tăng cao hơn có thể sẽ bị hạn chế trong trung và dài hạn. Điều này là do khó có khả năng xảy ra một chu kỳ cắt giảm lãi suất rõ rệt ở Mỹ do rủi ro lạm phát dai dẳng. Chính vì vậy, chúng tôi chỉ' nâng dự báo giá vàng vào cuối năm nay và cuối năm tới từ 2.100 USD lên 2.200 USD mỗi ounce” - bà Thu Lan Nguyen cho hay.
Giá vàng đã chạm mức cao nhất mọi thời đại vào tuần trước sau khì Fed báo hiệu rằng họ vẫn có kế hoạch cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Fed vẫn dự định nới lỏng chính sách tiền tệ ngay cả khi áp lực lạm phát vẫn trên mức mục tiêu 2%.
Mặc dù các yếu tố địa chính trị và kinh tế trong thời điểm hiện tại là tích cực đối với kim loại quý, nhưng chuyên gia Commerzbank cho rằng điều đó không hoàn toàn biện minh cho đà tăng kỷ lục gần đây.
Kỳ vọng về giảm lãi suất của Fed không thay đổi kể từ tháng 12 năm ngoái. Thậm chí, hồi đầu năm này, thị trường đã dự đoán khả năng Fed sẽ có 6 lần hạ lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, hiện kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Mỹ nới lỏng chính sách mạnh tay hơn đã giảm do lạm phát vẫn nóng.
Đồng thời, thị trường vàng thế giới chứng kiến nhu cầu mua dự trữ cao chưa từng có từ các ngân hàng trung ương lớn, dẫn đầu là Trung Quốc.
“Xét cho cùng, lượng mua gần 400 ngàn ounce của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong tháng 2 chỉ bằng 5% tổng lượng mua của các ngân hàng trung ương trong năm 2023. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường vàng là khoảng 130 tỷ USD, điều này có nghĩa là ngay cả việc mua vào của một số nhà đầu tư, tổ chức lớn hoặc ngân hàng trung ương cũng khó có thể làm thay đổi giá” - bà Thu Lan Nguyen cho hay.