Giá vàng 11/4: Mỗi ngày một kỷ lục, DOJI, SJC và PNJ được đề xuất nhập khẩu 1,5 tấn vàng?
(Thị trường tài chính) - So với thời điểm mở cửa phiên giao dịch sáng qua, giá vàng trong nước tính đến thời điểm này đã ghi nhận mức giảm nhẹ với vàng miếng SJC. Còn đối với vàng nhẫn, vẫn tiếp đà tăng phi mã.
Vàng nhẫn mặc sức nhảy vọt
Ghi nhận lúc 5h sáng nay (11/4), giá vàng miếng trong nước được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 82,4 - 84,4 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, giảm nhẹ 400.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với cùng thời điểm mở cửa phiên sáng qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 82,3 - 84,3 triệu đồng/lượng, giảm 200.000đồng/lượng chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng chiều bán ra. Mức chênh lệch giữa 2 chiều mua vào và bán ra là 2 triệu đồng/lượng.
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng đều niêm yết giá vàng miếng tại thời điểm rạng sáng nay ở mức 82,3 triệu đồng/lượng mua vào, tăng 400.000 đồng và 84,4 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng so với mở cửa phiên sáng qua.
Với vàng nhẫn, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá mua vào tại thời điểm này là 75 triệu đồng/lượng, bán ra 76,7 triệu đồng/lượng, tăng thêm 900.000 đồng so với phiên sáng hôm qua.
Tại Hà Nội, Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 800.000 đồng so với buổi sáng 10/4, đưa vàng nhẫn niêm yết sáng nay lên mức giá 76,88 triệu đồng/lượng mua vào, 78,48 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng trong nước nhiều ngày nay đang có những bước nhảy vọt về giá phần lớn được cho là do ảnh hưởng của biến động giá vàng thế giới. Ngoài ra, nguồn cung vàng trong nước trở nên khan hiếm hơn khi nhu cầu mua vào luôn duy trì ở mức cao. Tại một số tiệm vàng trên phố Trần Nhân Tông, khách hàng khá khó khăn để có thể mua được mua được đầy đủ lượng vàng theo mong muốn cá nhân.
DOJI, SJC và PNJ được đề xuất nhập khẩu vàng
Giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng nhẫn tăng khó kiểm soát, liên tục đạt mức giá kỷ lục mới từ đầu tuần. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Huỳnh Trung Khánh, thị trường vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang vàng nhẫn do tâm lý người dân lo ngại giá vàng miếng SJC ở mức cao. Cùng với đó, thị trường vàng nhẫn dù không phải độc quyền nhưng nguồn nguyên liệu không đủ nên rơi vào tình cảnh khan hiếm, đắt đỏ.
Trước tình trạng này, VGTA đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ. Các doanh nghiệp này sẽ nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác vàng nữ trang.
Theo đề xuất, 3 doanh nghiệp này được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương đương mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc mà sẽ chia làm nhiều lần nhập, phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
VGTA cho rằng, con số đề xuất 1,5 tấn vàng/năm trong bối cảnh hiện nay là không lớn, phù hợp với thị trường, bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn. “Việc nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ giảm, chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế được rút ngắn lại. Như vậy, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng sẽ bình ổn”, đại diện VGTA nhận định.
VGTA đánh giá, việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bình ổn thị trường vàng trong nước là vấn đề nóng được nhiều người đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Sau 12 năm thực hiện, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh. Bên cạnh đó, Nghị định đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây nên những ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, thị trường như chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước ngày càng cao. Do đó, VGTA đề nghị, trong thời gian chờ đợi Nghị định mới ban hành thay thế Nghị định 24, Thủ Tướng, Phó Thủ Tướng, Thống đốc NHNN xem xét cho cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp nêu trên.