Doanh nghiệp đồng loạt “hết vàng”, có hay không những cái bắt tay?
(Thị trường tài chính) - Theo khảo sát, bên cạnh SJC và 4 ngân hàng thương mại nhà nước đang thực hiện bán vàng miếng nhằm giảm chênh lệch với giá vàng thế giới, thì tại hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh kim loại quý này đã không còn vàng miếng để bán cho người dân. Điều này đã đặt ra nhiều nghi vấn về tính minh bạch trong kinh doanh của các nhà vàng này.
Hết vàng?
Do đã dành tới hơn 1 ngày để xếp hàng chờ đợi ở nhiều chi nhánh ngân hàng mà vẫn chưa tới lượt mình được mua vàng, bà Nguyễn Quỳnh Như (Hà Đông, Hà Nội) quyết định không chờ đợi mà tìm đến các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng.
Trước khi có quyết định này, bà Như cho biết, đã tìm hiểu kỹ về giá và biết rằng, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp lớn không có sự chênh lệch với vàng miếng tại 5 cơ sở bình ổn giá.
Tuy nhiên, sau gần 2 tiếng đi hết cơ sở nọ đến cơ sở kia, hết thương hiệu này đến thương hiệu khác, câu trả lời mà bà Như nhận về được đều chỉ có một – “hết vàng”.
Quá thất vọng, bà Như cảm thấy việc mua vàng bây giờ như đánh đố người dân. “Lúc vàng tăng thì không thấy hết, bây giờ giảm thì đến chỗ nào cũng bảo hết vàng. Giảm mà người dân không mua được vàng thì giảm có ý nghĩa gì?”, bà Như bức xúc.
Không riêng bà Như, câu chuyện “có tiền không mua được vàng” cũng diễn ra tương tự với rất nhiều người. Mong muốn mua 2 lượng vàng SJC trong thời điểm này, chị Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thẫn thờ bỏ về sau khi đi hỏi mua lần lượt các cửa hàng từ đầu đến cuối “phố vàng” Trần Nhân Tông.
“Mọi người đến mua thì các bạn đều bảo hết SJC rồi, không có để bán. Tôi hỏi tiếp bao giờ có để quay lại mua thì các bạn bảo chưa biết, dạo này khan hiếm lắm”, chị Hằng kể.
Hay “ém” vàng?
Trước tình trạng người dân không mua được vàng từ các doanh nghiệp kinh doanh kim loại quý này với lý do “khan hiếm”, không ít người đặt nghi vấn có hay không việc các nhà vàng bắt tay nhau “ém” vàng trong thời gian giá giảm sâu để chờ khi phục hồi mới bán ra?
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco nhận định, hoạt động mua bán vàng miếng là hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được mua vàng miếng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước. Cho dù nhu cầu mua vàng miếng trong dân cao, nhưng có thể Nhà nước sẽ khống chế lượng bán ra theo từng thời kỳ để đảm bảo đạt được các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Việc khan hiếm là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Xét trên quan điểm điều hành chính sách, việc bán vàng là để điều hành thị trường nên việc ém hàng là khó có khả năng xảy ra. Nhưng việc khan hiếm nguồn cung là hoàn toàn có thể”, Luật sư Hà Huy Phong chia sẻ.
Tuy nhiên, dưới góc độ thị trường, ông Phong cho rằng, việc ém vàng hoàn toàn có khả năng xảy ra. Trong trường hợp tổ chức được phép bán vàng miếng còn vàng nhưng không bán ra mà vẫn găm giữ lại thì cần xem xét bối cảnh cụ thể. Pháp luật có quy định về hành vi đầu cơ hàng hóa, nhưng chỉ áp dụng trong một số trường hợp với điều kiện cụ thể.
Theo đó, tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức khi có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong hai trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá; Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.
“Phải nói rằng, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ở trong giai đoạn khó khăn và khó dự báo. Do đó, người dân đổ xô mua vàng miếng tích trữ như một sự cảnh giác và phòng ngừa những biến độ tiêu cực của nền kinh tế. Do đó, giải pháp bình ổn không chỉ nằm ở việc số lượng vàng bán ra mà phải làm sao để nhân dân yên tâm chi tiền cho các hoạt động đầu tư, các hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Phong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phong, nguồn cung vàng trên thế giới vẫn đang rất dồi dào, nhiều nước sẵn sàng xả kho dự trữ để bình ổn thị trường. Đối với Việt Nam, lượng dự trữ vàng đang đứng thứ 5 thế giới, nên Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng can thiệp để điều hành thị trường một cách hợp lý.