Đằng sau sự bùng nổ giá vàng năm 2023
Kinhtedothi- Năm 2023, chứng kiến giá vàng tăng kỷ lục và đang đắt nhất mọi thời đại. Trong khi các kênh đầu tư truyền thống kém hấp dẫn, dòng tiền tìm đến những kênh đầu tư mang tính chất phòng thủ như vàng.
Mọi yếu tố đều hỗ trợ cho vàng
Những tháng cuối năm 2023 đã ghi nhận sự tăng tốc đáng kinh ngạc của giá vàng tại thị trường Việt Nam. Ngày 22/12/2023, giá vàng miếng SJC vọt lên sát 77 triệu đồng/lượng, cao nhất lịch sử, xô đổ kỷ lục 74 triệu đồng đã từng lập tháng 3/2022.
Năm 2023, giá vàng trong nước sau khi tăng liên tục trong tháng 1/2023, có lúc vượt 69 triệu đồng/lượng thì đã giảm và dao động trong phạm vi hẹp trên dưới 67 triệu đồng/lượng trong suốt hơn 5 tháng, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 7.
Tính chung cả năm, giá vàng miếng SJC tăng 9,4 triệu đồng/lượng. Cụ thể, từ 67,4 triệu (ngày 15/1/2023) lên 76 triệu đồng/lượng vào sáng 22/12. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng tăng tương ứng 8,05 triệu đồng/lượng, từ 55,05 triệu đồng/lượng lên 63,1 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng do tác động từ giá thế giới thời gian qua tăng cao ở mức hơn 2.000 USD/ounce, trong bối cảnh đồng USD tụt giá. Sau số liệu kinh tế Mỹ củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Lúc 11 giờ trưa nay giá vàng thế giới đứng ở 2.053,2 USD/ounce, tăng 3 USD so với đầu giờ sáng.
Thứ hai do bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và gần đây là xung đột giữa Israel với Hamas - dù đã có lệnh ngừng chiến nhưng chưa rõ ràng đã khiến vàng được coi là kênh trú ẩn an toàn.
Trong bối cảnh này một số ngân hàng, các quỹ đầu tư chuyển sang xu hướng thận trọng hơn sẽ đổ vốn vào vàng. Tính đến quý III/2023, ngân hàng trung ương các nước đã mua vào khoảng 800 tấn và có thể vượt 1.000 tấn trong năm nay.
Với giá vàng trong nước, tăng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tiền đồng xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, thị trường chứng khoán cũng sụt giảm, bất động sản trầm lắng. Bên cạnh đó, cuối năm luôn là thời điểm có nhu cầu mua tích trữ vàng lớn. “Trong khi đó, nguồn cung vàng SJC chỉ quanh quẩn trong dân và doanh nghiệp mà không được sản xuất thêm. Nguồn cầu cao và nguồn cung ít khiến giá tăng cao là điều dễ hiểu”- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lý giải.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cũng phân tích, không chỉ chịu tác động bởi giá vàng trên thế giới. Ngoài ra nó còn có những nguyên nhân khác. Nền kinh tế vĩ mô đang trong tình trạng khó khăn nên các nhà đầu tư đang tìm kiếm một kênh đầu tư để sinh lời cao.
Vàng tăng đến bao giờ?
Trang Bloomberg đặt ra câu hỏi: giá vàng liệu có hướng tới mức giá cao kỷ lục mới? Bài báo cho rằng có vài lý do mang tính quyết định: thứ nhất, nó phụ thuộc vào việc lãi suất có tăng nữa hay không? thứ hai, phụ thuộc vào kênh trái phiếu doanh nghiệp và các khoản nợ. Nếu thị trường này yếu, người ta sẽ tìm tới vàng, vì nó không phụ thuộc vào tín nhiệm của ai cả; cuối cùng, tình hình địa chính trị, nếu năm 2024, vì bất ổn chính trị mà ảnh hưởng tới hệ thống tài chính hay châm ngòi cho suy thoái, thì vàng vẫn được ưa chuộng.
Trích dự báo của các chuyên gia, trang CBS phân tích: "Ngoài vấn đề lạm phát, địa chính trị, tình hình bầu cử năm sau cũng có tầm ảnh hưởng tới giá vàng". Bài báo cho rằng một số nhà đầu tư sẽ đổ xô sang vàng nếu họ cảm thấy kết quả bầu cử gây ra rủi ro đối với tài chính của họ.
Nhiều dự báo cho thấy giá kim loại quý ở thị trường thế giới có thể tiếp tục đà tăng trong 1-2 tháng tới hoặc phá vùng đỉnh lịch sử ở 2.080 USD/ounce. Goldman Sachs thậm chí cho rằng, đà tăng của giá vàng sẽ chưa dừng lại ở đó và kim loại quý này sẽ ghi nhận mức giá trung bình 2.175 USD/ounce trong năm 2024. Sau đó, giá sẽ giảm về 2.087 USD/ounce trong năm 2025 và 2.000 USD/ounce trong năm 2026.
Vì vậy, vàng có thể không hạ giá trong một sớm một chiều. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng vẫn chỉ nên coi vàng là một kênh để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Bởi với các nhà đầu tư Mỹ, ưu tiên hàng đầu vẫn là cổ phiếu, trái phiếu và tài sản.
Mặc dù nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng nhưng nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo người dân nên tỉnh táo khi đầu tư. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 16,5-16,6 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn khoảng 2,6 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán vàng cũng lên tới 1 triệu/lượng, do vậy rất khó kiếm lời.
Sau khi lập kỷ lục trong ngày 22/12, giá vàng miếng trong nước sáng 23/12 đã giảm, có nơi không duy trì được ngưỡng 77 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn cao hơn giá quốc tế gần 17 triệu đồng/lượng...
Giá vàng biến động liên tục, thường xuyên lên nhanh nhưng cũng xuống rất nhanh nên không dành cho những nhà đầu tư không chuyên. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng tư vấn: người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới.
"Thị trường vàng không phù hợp để dồn tiền lướt sóng, trừ trường hợp đầu tư có nhiều công cụ phái sinh để hạn chế rủi ro. Nếu mua vàng lúc này vì thấy giá đang lên thì nhà đầu tư cần có dự phòng" - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.
Còn ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, có thể có việc dịch chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang vàng nhưng không nhiều. Nhà đầu tư có thể chỉ mua thêm một phần vàng để đa dạng hóa tài sản, bằng chứng là nhu cầu mua vàng không tăng đột biến. Thông thường, các chuyên gia thế giới cũng khuyến cáo chỉ nên đầu tư 15-20% tài sản là vàng và tùy khẩu vị rủi ro của từng người.