HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chóng mặt với chuyển đổi số ngân hàng

Song Anh

(Thị trường tài chính) - Hiện, đã có gần 50% tổ chức tín dụng xây dựng các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) cho bên thứ ba kết nối.

Thời gian qua, ngành ngân hàng không chỉ chứng tỏ vị thế, vai trò tin cậy của mình với nền kinh tế mà còn dẫn đầu khi tiếp cận với các xu thế quản lý, kinh doanh hiện đại của thế giới.

Là ngành nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành ngân hàng sẽ là động lực thúc đẩy số hóa nền kinh tế một cách nhanh chóng. 

Chóng mặt với chuyển đổi số ngân hàng - ảnh 1
Ngân hàng số Open Banking tích hợp các công nghệ hiện đại và mới nhất, giúp khách hàng giao dịch mọi lúc mọi nơi. Ảnh minh họa.

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, ngành ngân hàng đã có quá trình tiếp cận và nghiên cứu để phục vụ chuyển đổi từ khá sớm và với tốc độ chóng mặt. Một trong những công nghệ đột phá gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành ngân hàng là cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API). Ứng dụng đã được một số ngân hàng Việt Nam nghiên cứu, đưa vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo - Open Banking.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, 72,3% tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang dự tính triển khai các API. Trong đó, 47,6 % TCTD đã xây dựng các API để cho bên thứ ba kết nối.

Theo thống kê, có khoảng 65% các TCTD sẵn sàng triển khai Open API, với trên 30% TCTD có mức độ sẵn sàng cao. Nhiều TCTD đã triển khai API Portal để các đối tác có thể kết nối vào hệ sinh thái ngân hàng. Đi cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều nhà cung cấp giải pháp ứng dụng Open API.

Với kinh nghiệm gần 7 năm xác định hướng đi và triển khai Open Banking, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, năm 2017 ngân hàng đã triển khai API Gateway, kết nối API với các đối tác ví điện tử. 

Đến năm 2022, VietinBank đã triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các bệnh viện, trường học, nộp thuế trực tuyến từ ứng dụng Etax. Đặc biệt, đến năm 2023, ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán taxi từ ứng dụng đối tác thứ ba, trả nợ, tất toán khoản vay, chi lương theo lô… Hiện mỗi tháng có trên 55 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng có ứng dụng API.

Ông Đào Quang Bính - Tổng thư ký Tòa soạn, kiêm Tổng Giám đốc Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy nhấn mạnh: "Trong 2 năm gần đây, rất nhiều ngân hàng đã chủ động chuyển dịch mô hình kinh doanh từ truyền thống sang xu hướng giao tiếp với khách hàng bằng các cửa sổ trực tuyến, xóa bỏ ngăn cách không gian, thời gian và bối cảnh vật lý. Đây chính là cơ sở để ngành ngân hàng tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi sang ngân hàng mở/Open Banking một cách toàn diện, mạnh mẽ và nhanh chóng”.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Chuyển đổi số của ngành ngân hàng là khách hàng sử dụng được tất cả các dịch vụ trên chiếc điện thoại di động một cách liền mạch. Về khía cạnh kỹ thuật, chuyển đổi số là sự kết nối, tích hợp của các thực thể, các tổ chức, cá nhân trong xã hội”.

Theo Phó Thống đốc, Open Banking - Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Các thách thức, khó khăn khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý. Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng Fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, theo kịp sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng.

 

Ý kiến bạn đọc