"Chẳng nhẽ cứ để giá vàng nhảy múa mãi?"
(Thị trường tài chính) - “Giá vàng nhảy múa vừa rồi thì công tác quản lý thế nào? Không lẽ cứ để nó nhảy múa như thế? Tôi chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng giảm đột biến như thế”.
Ý kiến trên được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay (13/5), trước những biến động bất thường của thị trường vàng trong thời gian vừa qua.
Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng giá vàng chưa bao giờ giá vàng trong nước cao và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao như hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu, cần phải quản lý chặt chẽ thị trường vàng, có “bàn tay” của Nhà nước can thiệp vào thị trường”
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh cũng băn khoăn về vấn đề giá vàng “nhảy múa”, có thời điểm lên tới 92 triệu đồng/lượng. “Nguồn vốn đầu tư từ lĩnh vực tư nhân vẫn rất thấp trong khi đầu tư vào vàng lại cao như vậy có phải là người dân không yên tâm vào đầu tư cho sản xuất? Những nội dung này cần phân tích kỹ hơn”, bà Thanh nói.
Giải trình về vấn đề thị trường vàng và quản lý nhà nước tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, những năm gần đây do ảnh hưởng dịch Covid-19, lạm phát tăng cao nên giá vàng quốc tế tăng mạnh, khiến giá vàng trong nước tăng theo.
Về nguyên nhân chênh lệch giá trong nước cao so với thế giới, Phó Thống đốc NHNN lý giải, đến hôm nay, giá vàng thế giới tăng khoảng 14% so với đầu năm, chủ yếu do giá thế giới tăng, trong khi kim loại quý trong nước phụ thuộc thị trường này. Cùng với đó là nguồn cung vàng trong nước đang bị hạn chế.
Về giải pháp, ông Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng với khối lượng phù hợp. Trong tuần này, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng miếng thay vì 1 phiên như trước để tiếp tục tăng cung ra thị trường để đảm bảo nguồn cung, giảm chênh lệnh giữa giá vàng trong nước và quốc tế.
Đồng thời, sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24; tiếp tục triển khai thanh tra doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh, mua bán vàng miếng; chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về hóa đơn thanh toán, kiểm soát giao dịch mua bán vàng.
Ngoài các giải pháp trên, NHNN cũng phối hợp cùng các bộ, ban, ngành kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất thêm giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó sẽ sửa Nghị định 24.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm đã tăng 20,8% so với cùng kỳ. Có ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành “thị trường ngầm” (giao dịch mà không có sự kiểm soát, thống kê của Nhà nước) về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát.