Bất ngờ: Xuất hiện một ngân hàng lạ mà quen trong danh sách cổ đông lớn của Eximbank
(Thị trường tài chính) - Sau thông tin ĐHCĐ bất thường bàn về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ tại Eximbank xuất hiện cái tên Vietcombank với tỷ lệ sở hữu 4,51% cổ phần ngân hàng này.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán EIB) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, được cập nhật đến ngày 10/10/2024. Bên cạnh cổ đông lớn Gelex với tỷ lệ sở hữu 10% vốn điều lệ, danh sách lần này có sự xuất hiện của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã CK: VCB), với việc sở hữu hơn 78,79 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 4,51%. Như vậy, Vietcombank trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank.
Ba cái tên tiếp theo trong danh sách sở hữu trên 1% vốn điều lệ tại Eximbank là CTCP Chứng khoán VIX, bà Lương Thị Cẩm Tú và bà Lê Thị Mai Loan. Ngày 13/10, Eximbank còn đón nhận thêm cổ đông chiến lược Gelex (GEX) với tỷ lệ nắm giữ 10% vốn điều lệ ngân hàng.
Việc Vietcombank gom mua gần 79 triệu cổ phiếu EIB đã gây bất ngờ trên thị trường. Tạm tính theo giá cổ phiếu hiện tại, số lượng cổ phiếu này có giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng.
Mới đây, Eximbank cũng vừa có thông cáo về việc lan truyền tài liệu không xác thực trên mạng xã hội liên quan đến hoạt động của Eximbank. Trong thông cáo, Eximbank khẳng định tài liệu lan truyền trên mạng xã hội nêu trên không phải là văn bản của Ban Kiểm soát Eximbank và không xuất phát từ ngân hàng. Đây là tài liệu chưa được xác thực, không rõ nguồn gốc. Hiện nay, Eximbank đang đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh, làm rõ động cơ của hành vi phát tán tài liệu này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, khách hàng, cổ đông và đối tác.
Eximbank khẳng định Ngân hàng vẫn đang hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng và đối tác. Các số liệu tài chính của Eximbank luôn được công khai minh bạch và được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn quốc tế. Các chỉ số tài chính quan trọng hiện đang ở mức an toàn cao và ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu về vốn, thanh khoản và hoàn toàn có khả năng chịu đựng trước các rủi ro thị trường. Ngân hàng luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo sự minh bạch trong mọi hoạt động.
Trước đó, phiên 14/10 ghi nhận lượng thanh khoản cổ phiếu EIB cao kỷ lục, hơn 99.7 triệu cp EIB, tương đương 5.35% vốn của Eximbank được giao dịch với tổng giá trị 1,827 tỷ đồng. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong gần 2 năm trở lại của EIB, kể từ phiên 17/11/2022. Trong đó, hơn 57 triệu cp EIB được giao dịch thỏa thuận, tương đương 3.06% vốn, giá trị 1,049 tỷ đồng, tương đương 18,390 đồng/cp. Cũng trong ngày này, xuất hiện tài liệu lan truyền trên mạng xã hội về “Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank” (chỉ có 1 trang đầu và không có chữ ký, không có con dấu).
9 tháng năm 2024, tổng tài sản tăng 11% so với đầu năm, tăng 16.9% so với cùng kỳ. Tổng huy động tăng 9.1% so với đầu năm; tăng 12.2% so với cùng kỳ. Dư nợ tăng 15.1% so với đầu năm, tăng 18.9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đều tăng qua các quý (trong đó lợi nhuận trước thuế quý 3 tăng 39% so với cùng kỳ).
Ngày 28/11 tới đây, Eximbank sẽ triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường.