Ai quyết định giá vàng?
(Thị trường tài chính) - Khách quan mà nói, giá vàng trên thị trường hằng ngày do những người tạo lập thị trường ấn định, không có một cơ quan hay một yếu tố thị trường (giống như chứng khoán) thiết lập nên giá vàng. Vì vậy, nếu có một sự “bắt tay” nào đó giữa những “nhà tạo lập” thì cơ quan quản lý cần phải kiểm tra và xác định cụ thể mức độ tác động đến chênh lệch giá vàng.
Trao đổi với PV Chuyên trang Thị trường Tài chính- Báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Đức Hùng Linh- Người sáng lập kiểm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy cho biết.
Về việc NHNN thông báo dừng đấu thầu vàng miếng, ông nhận định thế nào về quyết định này?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Chúng ta cần hiểu định hướng bình ổn giá vàng trong nước vẫn tiếp tục được thực hiện, chỉ là thay đổi phương pháp. Chúng ta cũng chưa thể chắc chắn, sau ngày 3/6 có ngừng hoàn toàn việc đấu thầu vàng miếng hay không.
Do chưa biết biện pháp bình ổn mới hơn sẽ là gì, nên không loại trừ khả năng NHNN sẽ tổ chức đấu thầu lại bằng một cách thức mới. Có thể sẽ thay đổi cách xác định giá đấu thầu hoặc thay đổi đối tượng và kênh phân phối.
Một điều tôi xin lưu ý, đó là vàng thuần túy là công cụ để tích trữ và gần như không mang lai lợi ích cho sản xuất kinh doanh. Nhập khẩu vàng để bán trong nước sẽ làm hao tổn dự trữ ngoại hối. Trong khi đó bản chất của dự trữ là chỉ dùng trong những trường hợp khẩn thiết. Nhu cầu cất trữ hay kéo giảm chênh lệch giá vàng có phải là khẩn thiết hay không thì chúng ta cần phải bàn thấu đáo. Dự trữ ngoại hối mới chỉ xấp xỉ 3 tháng nhập khẩu, bằng mức tối thiểu được khuyến cáo nên mọi việc sử dung đến dự trữ phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Trải qua tổng cộng 9 lần tổ chức đấu thầu vàng miếng, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của phương pháp đấu thầu?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Có thể thấy chênh lệch giá vàng SJC với giá vàng thế giới vẫn còn ở mức cao và chưa có khác biệt nhiều với mức chênh lệch ở thời điểm trước khi đấu thầu. Tuy nhiên nếu nhìn đây là bước đi thăm dò ban đầu để kiểm tra thị trường thì chưa cần phải bàn quá nhiều về mức chênh lệch. Chúng ta chưa thể biết nhu cầu thực của thị trường là bao nhiêu, trong thị trường ngoài nhu cầu của người dân còn có yếu tố đầu cơ, tích trữ hay không. Nếu bán ồ ạt với giá rẻ nhằm kéo giảm chênh lệch mà không nắm rõ thị trường, rất có thể sẽ rơi vào tình huống hao tổn dự trữ (để nhập khẩu vàng) mà gián tiếp giúp giới đầu cơ thu lợi.
Vì vậy, khi nhìn mức giá tham chiếu xấp xỉ bằng giá vàng đang giao dịch, cũng không nên vội vàng đánh giá mức giá tham chiếu đó là không hiệu quả.
Việc để giá tương đối sát với giá thị trường trong 9 phiên đó không hẳn để kéo giảm chênh lệch ngay lập tức, mà nhằm đưa ra nguồn cung để thỏa mãn cơn khát cho thị trường. Khi đó, nếu thị trường thực sự thiếu thì lượng mua vào sẽ nhiều. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các lần đấu thầu đều không trúng thầu hết lượng vàng miếng mà NHNN đưa ra.
Theo ông, để bình ổn thị trường vàng về dài hạn, các cơ quan quản lý nên có những biện pháp như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Vừa rồi tôi thấy Chính phủ, NHNN đã đi rất đúng hướng, đó là làm tăng tính minh bạch, ngăn chặn thao túng đầu cơ vàng bằng việc điều tra hành vi thao túng, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng và bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử
Khi nắm được tỷ trọng giao dịch ở các thành viên thị trường, giá giao dịch đối tượng giao dịch,… cơ quan quản lý sẽ nắm chắc hoạt động thị trường, từ đó có hành động can thiệp chính xác. Các hành vi thao túng, đầu cơ cũng sẽ giảm thiểu. Rất có thể chỉ bằng những biện pháp hành chính như vậy chúng đã có thể kéo được chênh lệch giá vàng mà chưa cần hao tổn dự trữ.
Ở Việt Nam, yếu tố tâm lý, yếu tố đầu cơ rất rõ và rất mạnh. Trong môi trường lãi suất thấp, hoạt động đầu cơ tạo sốt ảo càng có điều kiện bùng phát.
Cùng nhìn lại lịch sử thì chênh lệch giá vàng mới chỉ nới rộng từ năm 2020, khi lãi suất giảm để hỗ trợ kinh tế thời Covid. Tuy nhiên thời điểm đó dòng tiền chủ yếu đổ vào chứng khoán và BĐS, không phải vàng. Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra là chênh lệch giá vàng nới rộng những năm đó có phải hoàn toàn do cung câùhay còn có lý do nào khác?
Hoặc giai đoạn từ tháng 9/2022 – 7/2023, giá vàng trong nước thuần túy đi ngang, trong khi đó giá vàng thế giới biến động khá mạnh... Những diễn biến lệch pha này rất khác so với giai đoạn bình ổn hậu đấu thầu vàng 2013 – 2020.
Chúng ta cũng cần phải xác định được cơ chế ấn định giá vàng hàng ngày và ai thực sự là người quyết định giá này. Khách quan mà nói, giá vàng trên thị trường hằng ngày do những người tạo lập thị trường ấn định, không có một cơ quan hay một yếu tố thị trường (giống như chứng khoán) thiết lập nên giá vàng. Vì vậy, nếu có một sự “bắt tay” nào đó giữa những “nhà tạo lập” thì cơ quan quản lý cần phải kiểm tra và xác định cụ thể mức độ tác động đến chênh lệch giá vàng.
Ông dự kiến giá vàng thời gian tới sẽ có diễn biến như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Tôi không muốn đưa ra dự báo cá nhân về giá vàng thế giới. Riêng về chênh lệch giá vàng, điều tôi cũng như mọi người đều kỳ vọng là mức chênh sẽ được giảm xuống khi NHNN đưa ra các biện pháp bình ổn mới. Chúng ta không nên kỳ vọng chênh lệch có thể giảm về 0 trong một sớm một chiều. Sau khi bán 74 tấn vàng năm 2013, chênh lệch giá vàng vẫn ở mức 10%-20% trong năm 2014 và 2015. Cần lưu ý rằng vàng miếng SJC là một thương hiệu riêng, khác biệt với các loại vàng khác. Một mặt hàng có thương hiệu, có uy tín và có thanh khoản cao cũng xứng đáng có được hưởng một mức giá cao hơn. Nếu e ngại mức chênh này, người dân vẫn còn lựa chọn mua loại vàng khác như nhẫn tròn trơn, có mức chênh thấp hơn nhiều vàng miếng SJC.
Mục tiêu bình ổn giá vàng ngoài ra cũng cần phải kết hợp với các công cụ khác, trong đó có lãi suất. Lãi suất thấp đang tạo điều kiện để hình thành bong bóng tài sản. Nếu trong thời gian tới lãi suất tăng, rất có thể chênh lệch giá vàng cũng sẽ tự giảm giống giai đoạn cuối 2022 đầu 2023.