Vụ nổ phi quân sự sức công phá khủng khiếp tương đương bom nguyên tử khiến 20.000 người thiệt mạng, Thủ đô lớn top đầu thế giới suýt bị ‘xóa sổ’
(Thị trường tài chính) - Vụ nổ đã san phẳng mọi thứ trong phạm vi 2km² quanh hiện trường
Sự việc xảy ra tại kho vũ khí Wanggongchang, một trong những kho vũ khí nằm giữa lòng thủ đô Bắc Kinh đông đúc. Những kho này có nhiệm vụ sản xuất thuốc súng và lưu trữ áo giáp, vũ khí, cung tên, cùng đạn dược. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh cho Bắc Kinh và duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phòng thủ dưới triều đại nhà Minh. Để tránh bị kẻ thù chiếm đoạt, xưởng vũ khí được đặt gần Tử Cấm Thành và được bảo vệ bởi những bức tường thành kiên cố. Tuy nhiên, việc đặt xưởng sản xuất thuốc nổ ngay giữa khu dân cư đông đúc đã dẫn đến hậu quả bi thảm.
Vào sáng ngày 30/5/1626, người dân Bắc Kinh chứng kiến một cột khói đen bốc lên từ kho vũ khí Wanggongchang, sau đó là những tiếng rung chuyển dữ dội. Một luồng sáng chói lóa bùng lên, và ngay sau đó, một tiếng nổ khủng khiếp vang dội, “xé nát bầu trời và làm rung chuyển cả mặt đất.” Một đám mây hình nấm khổng lồ bốc lên cao trên thành phố.
Vụ nổ đã san phẳng mọi thứ trong phạm vi 2km² quanh hiện trường. Gần như toàn bộ khu vực từ Huyền Vũ Môn ở phía Nam đến Đại lộ Tây Trường An ngày nay ở phía Bắc đều bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng nghìn người đã thiệt mạng, và hàng nghìn ngôi nhà chỉ còn là đống đổ nát. Sức công phá của vụ nổ mạnh đến mức bật gốc các cây cổ thụ và quăng chúng xa khỏi vị trí ban đầu. Một con sư tử đá nặng hơn hai tấn cũng bị thổi bay qua tường thành.
Tiếng nổ to như sấm đã lan đi hàng chục km đến tận Thông Châu, Xương Bình. Thậm chí người dân ở Mật Vân cách đó 100km cũng cảm nhận được rung chấn của vụ nổ. Tại Thiên Tân, cách Bắc Kinh hơn 100km, hàng trăm ngôi nhà đột ngột sụp xuống vào thời điểm xảy ra vụ nổ kho đạn.
Sức ép từ vụ nổ xé toạc cơ thể con người. Những bộ phận cơ thể của các nạn nhân bị hất đi xa rồi rơi từ trên trời xuống tạo thành một cảnh tượng kinh hoàng. Tờ Công báo Bắc Kinh kể lại: “Gần đại lộ Trường An, đầu người từ trên trời rơi xuống. Ngoài Đức Thánh Môn, tay và chân của con người cứ lần lượt rơi xuống”.
Tại thời điểm đó, các cung điện trong Tử Cấm Thành đang trong quá trình trùng tu. Theo thống kê sau này, vụ nổ có sức công phá lên tới gần 20.000 tấn TNT, tương đương với quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima vào năm 1945. Vụ nổ thảm khốc này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người, trong đó có Thái tử Chu Từ Quế, con trai duy nhất của Hoàng đế Minh Hy Tông, theo cuốn sách Late Imperial China xuất bản vào tháng 6/2020.
Nhân chứng kể lại rằng họ đã chứng kiến gạch đá rơi từ trên trời xuống như mưa, và mọi người đều co cụm trong nhà, không dám bước ra ngoài. Sóng xung kích và dư chấn từ vụ nổ lan xa tới 150km, gây chấn động cả một vùng rộng lớn.
Theo ghi chép thời bấy giờ, nguyên nhân vụ nổ có thể là do tia lửa bén vào thùng thuốc súng hoặc các bình chứa chất dễ cháy. Vương Cung Xưởng, một cơ sở chế tạo vũ khí, chắc chắn lưu trữ một lượng lớn vật liệu nổ, khiến vụ nổ trở nên nghiêm trọng.
Tàn tích vụ nổ Vương Cung Xưởng ở Bắc Kinh năm 1626.
Quy mô của vụ nổ lớn đến mức tạo ra một cột khói hình nấm, một hiện tượng khiến các nhà khoa học đến nay vẫn chưa thể giải thích được nguyên nhân chính xác. Một số ý kiến cho rằng, chỉ riêng kho vũ khí thì không thể gây ra vụ nổ với sức công phá khủng khiếp như vậy.
Việc xác định nguyên nhân gốc rễ của vụ nổ là một thách thức lớn. Vụ nổ đã xóa sạch mọi dấu vết tại hiện trường, để lại rất ít bằng chứng cho công tác điều tra. Ban đầu, có suy đoán rằng đây là một hành động phá hoại, nhưng sau đó, cuộc điều tra chính thức kết luận rằng vụ nổ là một "sự cố ý trời" biểu trưng cho sự hỗn loạn và sai lầm dưới triều đại vua Minh Hy Tông.
Thảm họa này xảy ra trong bối cảnh triều đình đang đối mặt với nạn tham nhũng lan tràn, xung đột nội bộ và phong trào nổi dậy của nông dân. Tuy nhiên, vụ nổ Wanggongchang đã vượt lên trên tất cả những thách thức đó. Nhiều phe phái tin rằng mức độ nghiêm trọng của nó phản ánh sự bất mãn của trời đất đối với triều đại cầm quyền, đồng thời cho thấy sự yếu kém của Hoàng đế.
Vụ việc này cũng trở thành tác nhân quan trọng trong việc đẩy nhanh sự sụp đổ của triều đại nhà Minh. Sự phá hủy kho vũ khí đã giáng một đòn nặng nề khiến quân đội nhà Minh không thể phục hồi. Chỉ một năm sau đó, Hoàng đế Minh Hy Tông qua đời. Mười tám năm sau thảm họa, triều đại nhà Minh sụp đổ, nhường chỗ cho triều đại nhà Thanh.