Việt Nam khảo sát địa chất, chuẩn bị xây dựng lò nghiên cứu hạt nhân 100ha sát TP. HCM
(Thị trường tài chính) - Sau khi hoàn tất thiết kế cơ sở, nhóm dự án sẽ tiến hành mô phỏng các kịch bản sự cố có thể xảy ra để đánh giá mức độ an toàn của lò phản ứng.
Ngày 28/8, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chia sẻ thông tin về Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST). Theo ông, lò nghiên cứu mới với công suất 10MW sẽ được xây dựng trên diện tích 100ha tại Long Khánh, Đồng Nai. Vị trí này được đánh giá rất thuận lợi khi chỉ cách TP. Long Khánh khoảng 10km và nằm gần đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nối với TP. HCM.
Tại địa điểm xây dựng lò nghiên cứu, các chuyên gia sẽ tiến hành khoan khảo sát để đánh giá nguy cơ động đất. Dữ liệu từ quá trình này sẽ được nhập vào phần mềm chuyên dụng để tính toán tần suất và mức độ xảy ra động đất. Điều này giúp đưa ra những phương án thiết kế phù hợp. Ví dụ, nếu địa điểm có nguy cơ xảy ra động đất 7 độ theo thang MSK, lò nghiên cứu sẽ được thiết kế kiên cố hơn. Ngược lại, nếu nguy cơ chỉ ở mức 3-4 độ MSK, thiết kế sẽ đơn giản hơn để tiết kiệm chi phí.
TS Thành cũng cho biết, sau khi hoàn tất thiết kế cơ sở, nhóm dự án sẽ tiến hành mô phỏng các kịch bản sự cố có thể xảy ra để đánh giá mức độ an toàn của lò phản ứng. Những kịch bản này giúp đảm bảo rằng, trong mọi tình huống, lò phản ứng vẫn hoạt động an toàn và hiệu quả.
Theo quy định hiện hành của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các quốc gia khác, thiết kế của lò phản ứng hạt nhân phải đảm bảo an toàn ngay cả trong những tình huống xấu nhất, không gây ảnh hưởng đến con người và môi trường xung quanh.
Nhiệm vụ quan trọng của lò phản ứng nghiên cứu là sản xuất các đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ dùng trong chẩn đoán và điều trị ung thư, cũng như chiếu xạ silicon để tạo ra vật liệu bán dẫn và sản xuất chip điện tử. Khi lò đi vào hoạt động, dự kiến sẽ sản xuất được khoảng 11 loại đồng vị phóng xạ, có khả năng tạo ra từ 50-70 loại dược chất phóng xạ để chẩn đoán nhiều loại ung thư, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Việt Nam hiện có Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã vận hành 40 năm. Ban đầu, lò này có tên là TRIGA Mark-2, được xây dựng tại Đà Lạt vào năm 1963 với công suất 250 kWt do Mỹ tài trợ. Tuy nhiên, trước ngày 30/4/1975, toàn bộ các thanh nhiên liệu của lò đã bị tháo dỡ và chuyển về Mỹ, khiến lò ngừng hoạt động.
Từ năm 1979, Liên Xô (cũ) bắt đầu hỗ trợ Việt Nam khôi phục và mở rộng lò phản ứng này. Đến ngày 20/3/1984, lò được đưa vào vận hành trở lại với tên mới là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, có công suất danh định 500 kWt, gấp đôi so với lò TRIGA trước đây.
Hiện nay, lò phản ứng này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như nghiên cứu khoa học (vật lý hạt nhân), phân tích mẫu, sản xuất dược chất phóng xạ để chẩn đoán và điều trị ung thư, ứng dụng trong công nghiệp và đào tạo nhân lực.