Việt Nam ghi nhận 200.000 ca đột quỵ mỗi năm: Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ ra thời gian 'vàng' để cứu sống người bệnh
(Thị trường tài chính) - Nhiều người vẫn nghĩ đột quỵ là căn bệnh ở người già trên 60 tuổi, nhưng thực tế thời gian gần đây số người trẻ nhập viện vì đột quỵ ngày càng tăng.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, vào sáng ngày 9/11, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hội Đột quỵ Hà Nội đã phối hợp với Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội nghị Đột quỵ Quốc tế năm 2024 với chủ đề “Tiếp cận đa chuyên khoa và trí tuệ nhân tạo”.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đột quỵ hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn cầu, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống y tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Mỗi năm, trên thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, tức là trung bình cứ mỗi 3 giây trôi qua lại xuất hiện 1 ca mắc mới. Chúng ta cũng phải chứng kiến 6,5 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó hơn 6% xảy ra ở người trẻ.
Trong khi đó, Việt Nam mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca bệnh và con số đáng báo động này đang ngày càng leo thang. Mỗi trường hợp đột quỵ không chỉ là một người bệnh cần điều trị mà còn là một mạng sống, một gia đình bị ảnh hưởng trầm trọng.
Theo Báo Lao Động, Bác sĩ Phạm Văn Cường – Khoa Can thiệp mạch thần kinh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, hiện nay số lượng người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, đáng nói là số người trẻ tuổi mắc bệnh chiếm tỉ lệ không hề nhỏ. Nhiều người vẫn nghĩ đột quỵ là căn bệnh ở người già trên 60 tuổi, nhưng thực tế thời gian gần đây số người trẻ nhập viện vì đột quỵ ngày càng tăng.
Theo bác sĩ Cường, giờ vàng điều trị đột quỵ tùy phương pháp sẽ ở trong khoảng thời gian từ 3 - 6 giờ. Với người bệnh đưa đến sớm trong khoảng từ 3 - 4,5 giờ tính từ khi bị đột quỵ, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông. Ngoài ra có một phương pháp khác là đưa dụng cụ chuyên dụng vào vùng tổn thương để lấy cục máu đông ra và chỉ định này chỉ có thời gian trong vòng 6 giờ từ khi bị đột quỵ.
Ngoài ra, theo bác sĩ Cường, hiện có rất nhiều những quan điểm chưa đúng về đột quỵ, từ đó dẫn đến người bệnh mất cơ hội vàng điều trị và hệ lụy để lại là vô cùng nặng nề, thậm chí là tử vong. Bác sĩ Cường đưa ra một số sai lầm thường gặp khi bị đột quỵ não:
- Cạo gió khi bị đột quỵ: Khi bệnh nhân bị đột quỵ thường có những biểu hiện như tê bì chân tay, liệt chân tay hoặc nửa người, mặt lệch, nói khó, chóng mặt, đau đầu… Chính những biểu hiện này nên nhiều người cho rằng người bệnh bị cảm và tiến hành đánh gió, cạo gió bằng nhiều cách. Tuy nhiên, việc cạo gió không có tác dụng khi bị đột quỵ, mà nó chỉ làm mất thời gian vàng điều trị.
- Châm kim vào đầu tay: Đây cũng là “mẹo” được truyền tai rất là nhiều khi ai đó bị đột quỵ, tuy nhiên việc châm vào đầu ngón tay cho chảy máu không thể cứu được người bệnh, ngược lại còn khiến bệnh tình nặng hơn, vì cơn đau khi châm sẽ làm tăng huyết áp của bệnh nhân.
- Tự ý sử dụng các loại thuốc đông y: Với những người có tiền sử cao huyết áp hoặc bị đột quỵ thường gia đình luôn chuẩn bị sẵn một vài viên thuốc đông y đắt tiền để phòng và sử dụng khi cần. Tuy nhiên, với đột quỵ não việc uống loại thuốc này không đúng sẽ không có tác dụng thậm chí có hại cho người bệnh. Chính việc cho uống thuốc và nghĩ uống thuốc tốt là sẽ khỏi bệnh sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan không đưa đi viện sớm, làm mất cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh.
- Chờ bệnh nhân ổn định mới đưa đi viện: Với những trường hợp bị đột quỵ não nặng, rơi vào tình trạng hôn mê ngay lập tức thì người nhà càng phải đưa đi viện sớm. Tuy nhiên, đa số mọi người lại sợ đưa đi như vậy máu chảy nhiều hơn và tử vong nhanh hơn và chờ bệnh nhân ổn định mới đưa tới viện. Đây là sai lầm nghiêm trọng và khiến bệnh nhân mất đi cơ hội điều trị kịp thời.
- Truyền bá tư tưởng sai về điều trị đột quỵ: hai vấn đề hay gặp nhất đó là thực dưỡng đánh bay đột quỵ và tập luyện theo môn phái để điều trị đột quỵ.
- Nhầm lẫn so với bệnh khác: Đột quỵ não nhẹ có những triệu chứng giống với liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (phong hàn) nên nhiều người đi tìm phương pháp điều trị chưa đúng. Do vậy, khi có các triệu chứng như méo mặt, khó nói, ăn rơi vãi cần đến viện gấp để bác sĩ thăm khám và tìm nguyên nhân chính xác.
- Chủ quan đợi xem tự hồi phục không: Đây là sai lầm thường gặp ở những người bị đột quỵ nhẹ như có cơn chóng mặt, đau đầu hoặc bị tê bì chân tay, mệt mỏi nhưng chủ quan vào giường nằm ngủ một giấc xem có khỏe lại không. Đáng tiếc, đa số các trường hợp khi tỉnh dậy đã ở trong tình trạng nặng hoặc rất nặng, đến viện mất đi cơ hội điều trị trong giờ vàng.