HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Từ 2025, người bệnh có thẻ BHYT sẽ được thanh toán chi phí thuốc ngoài trong vòng 40 ngày

Linh Chi

(Thị trường tài chính) -Mọi người nên nắm rõ thông tin này để bảo đảm quyền lợi của mình khi đi khám, chữa bệnh.

Theo thông tin từ Sức khỏe và Đời sống, tại hội thảo phổ biến Thông tư mới quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc và thiết bị y tế cho người có thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh, TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đã nhấn mạnh tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Khảo sát từ hơn 600 bệnh viện cho thấy khoảng 30% thuốc hiếm mà bệnh viện đang thiếu không nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề. Nguyên nhân bao gồm việc đấu thầu không thành công hoặc nhà cung cấp không đáp ứng được yêu cầu cung ứng do thiếu nguồn hàng hoặc giao hàng chậm.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã thông báo về quy định thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh giữa cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và người tham gia BHYT. Thông tư số 22 quy định thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT khi cơ sở khám, chữa bệnh không có sẵn thuốc, vật tư y tế, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Thông tư cũng quy định cụ thể các trường hợp quỹ BHYT thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người có thẻ BHYT, bao gồm: thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm và thiết bị y tế loại C hoặc D (ngoại trừ thiết bị chẩn đoán in vitro và thiết bị y tế đặc thù cá nhân).

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ các nội dung liên quan đến mức thanh toán trực tiếp, hồ sơ, thủ tục thanh toán thuốc, thiết bị y tế, và trách nhiệm tổ chức thực hiện của các đơn vị liên quan.

Từ 2025, người bệnh có thẻ BHYT sẽ được thanh toán chi phí thuốc ngoài trong vòng 40 ngày - ảnh 1
Từ 2025, người bệnh có thẻ BHYT sẽ được thanh toán chi phí thuốc ngoài trong vòng 40 ngày. Ảnh minh họa: Internet

Mức thanh toán chi phí trực tiếp

Theo hướng dẫn của Thông tư 22, BHXH sẽ thanh toán trực tiếp cho người bệnh như sau:

Đối với thuốc: Mức thanh toán được xác định dựa trên số lượng và đơn giá ghi trên hóa đơn mà người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược. Nếu có quy định về tỷ lệ và điều kiện thanh toán, sẽ thực hiện theo đó.

Đối với thiết bị y tế (bao gồm thiết bị y tế sử dụng nhiều lần): Mức thanh toán cũng được xác định dựa trên số lượng và đơn giá ghi trên hóa đơn. Nếu thiết bị có quy định mức thanh toán, thì không được vượt quá mức đó.

Lưu ý, đơn giá thuốc, thiết bị y tế làm căn cứ xác định mức thanh toán không được vượt quá đơn giá thanh toán tại thời điểm gần nhất đối với thuốc, thiết bị đã trúng thầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nếu thuốc, thiết bị chưa trúng thầu, đơn giá xác định mức thanh toán sẽ theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Kết quả mua sắm tập trung cấp quốc gia hoặc kết quả đàm phán giá; Kết quả mua sắm tập trung cấp địa phương trên địa bàn; Kết quả lựa chọn nhà thầu thấp nhất tại thời điểm thanh toán của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập cấp chuyên sâu, cấp cơ bản hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn.

- Kết quả lựa chọn nhà thầu thấp nhất tại thời điểm thanh toán của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập cấp chuyên sâu, cấp cơ bản hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn TP Hà Nội, TP.HCM.

Hồ sơ và thủ tục thanh toán

Hồ sơ thanh toán trực tiếp bao gồm: bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân, giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh, hóa đơn và các chứng từ liên quan.

Người bệnh hoặc thân nhân (hoặc người đại diện hợp pháp) nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú. Cơ quan BHXH sẽ tiếp nhận hồ sơ và lập giấy biên nhận. Nếu hồ sơ không đầy đủ, cơ quan sẽ hướng dẫn bổ sung.

Để được thanh toán BHYT, người mua cần xuất trình đơn thuốc và vật tư y tế hợp lệ. BHXH sẽ thanh toán trực tiếp cho người bệnh trong vòng 40 ngày. Trường hợp không thanh toán, cơ quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Nếu người bệnh khám và điều trị trước thời điểm này nhưng kết thúc điều trị sau đó, sẽ thực hiện theo quy định của Thông tư.