Tin vui: Người lao động thuộc đối tượng này sắp được tăng thêm thu nhập hàng tháng
(Thị trường tài chính) -Cán bộ, công chức, viên chức này sẽ được tăng thu nhập căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Từ ngày 1/1/2025, tức là chỉ 1 tuần nữa, cán bộ, công chức, viên chức tại Hà Nội sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm dựa trên năng lực và hiệu quả công việc, tương tự như chính sách đã triển khai tại TP. HCM và Hải Phòng. Đây là bước tiến quan trọng trong việc cải thiện thu nhập, nâng cao hiệu quả lao động của đội ngũ cán bộ tại các đô thị lớn.
Mức lương tăng thêm của cán bộ, công chức Hà Nội
Căn cứ tại khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024 quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Như vậy, từ 1/1/2025, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên do TP. Hà Nội quản lý hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Từ 1/1/2025, cán bộ, công chức thuộc các đơn vị của TP. Hà Nội được ngân sách bảo đảm chi thường xuyên sẽ hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc. Ảnh minh họa/VOV
HĐND TP. Hà Nội thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội.
Trước đó chiều 10/12, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua nghị quyết quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP. Hà Nội quản lý.
Theo đó, chi thu nhập tăng thêm của cơ quan, đơn vị được thực hiện như sau:
- Sử dụng 0,5 lần quỹ lương cơ bản (0,5 lần của 0,8 quỹ thu nhập tăng thêm, tức khoảng 62,5%) để chi thu nhập tăng thêm hằng tháng cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức hiện có của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng được hưởng theo ngạch bậc, chức vụ.
- 0,3 lần quỹ lương cơ bản còn lại (37,5%) để chi thu nhập tăng thêm cuối năm cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị được đánh giá, xếp loại hằng năm từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Dự kiến, Hà Nội sẽ dành hơn 3.800 tỷ đồng/năm để chi trả chính sách này, mang lại lợi ích cho khoảng 40.000 cán bộ, công chức, viên chức. Kế hoạch này có thể thực hiện liên tục từ năm 2025 đến hết năm 2030 nhờ nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư.
Tăng thu nhập của cán bộ, công chức TP. HCM
Trước đó, chính sách tương tự đã được triển khai tại TP. HCM và Hải Phòng. Ảnh minh họa
TP. HCM từ lâu đã triển khai chính sách tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức dựa trên hiệu quả công việc, được nêu rõ trong Nghị quyết 98/2023. Theo đó, mức thu nhập tăng thêm không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Các đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm gồm cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã, người lao động thuộc quản lý của các cơ quan thuộc TP. HCM sau đây: Khu vực quản lý Nhà nước; tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập; một số hội có tính chất đặc thù; một số cơ quan Trung ương trên địa bàn TP. HCM.
Báo cáo của UBND TP.HCM cho biết, tổng kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm cho năm 2023 là hơn 3.922 tỷ đồng (quý III và IV) và hơn 6.537 tỷ đồng cho 6 tháng đầu năm 2024.
Tăng thu nhập của cán bộ, công chức ở Hải Phòng
Tại Hải Phòng, Nghị quyết 35/2021 của Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, với mức tối đa 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc lương theo vị trí việc làm.
Từ năm 2022 đến 2024, Hải Phòng đã chi hơn 4.000 tỷ đồng để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2024, dự kiến tổng kinh phí chi trả đạt hơn 2.000 tỷ đồng, số người hưởng lợi tạm ước bằng năm 2023 (trên 38.000 người) và đảm bảo lộ trình tăng hệ số điều chỉnh thu nhập.