Phát hiện hòn đảo rộng 1,1 triệu m2 đã biến mất hoàn toàn
(Thị trường tài chính) - Nguyên nhân khiến hòn đảo biến mất có thể do biến đổi khí hậu.
Tạp chí Live Science mới đây đưa tin, một nhóm học sinh và sinh viên đại học đã phát hiện ra rằng đảo Mesyatsev của Nga ở Bắc Cực đã biến mất sau khi so sánh hình ảnh vệ tinh của khu vực này cho dự án giáo dục RISKSAT của Viện Hàng không Moscow.
Đảo Mesyatsev hình thành từ một bán đảo cùng tên do băng tan trên đảo Eva-Liv. Vào năm 2010, đảo có diện tích bề mặt khoảng 11,8 triệu feet vuông (1,1 triệu m2), tương đương kích thước của khoảng 20 sân bóng bầu dục Mỹ.
Tuy nhiên, khi nhóm học sinh và sinh viên đại học đánh giá các bức ảnh vệ tinh mới của hòn đảo được chụp vào ngày 12/8/2024, họ phát hiện ra rằng hòn đảo chỉ có diện tích 323.000 feet vuông (30.000m2), tức là giảm hơn 99,7% so với 14 năm trước. Đến ngày 3/9, các hình ảnh mới hơn cho thấy hòn đảo đã biến mất hoàn toàn, theo một tuyên bố của Hiệp hội Địa lý Nga.
Theo Alexey Kucheiko - nhà nghiên cứu tại Viện Hàng không Moscow, nguyên nhân khiến hòn đảo biến mất có thể là nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu mà con người gây ra. Ông cho biết: "Hòn đảo đã tan chảy hoàn toàn".
Đảo Mesyatsev đã tan chảy kể từ khi tách khỏi đảo Eva-Liv, tuy nhiên, tốc độ biến mất của nó đã tăng lên trong thập kỷ qua. Đến năm 2015, hòn đảo này có diện tích khoảng 5,7 triệu feet vuông (530.000m2) - chưa đến một nửa tổng diện tích của nó vào năm 2010.
Và đến năm 2022, nó đã trở nên quá nhỏ đến nỗi các nhà nghiên cứu đã ngừng theo dõi vì họ nghĩ rằng nó sẽ biến mất ngay lập tức. Do đó, thật đáng ngạc nhiên khi những gì còn sót lại của hòn đảo vẫn có thể nhìn thấy được trong hình ảnh vệ tinh được các sinh viên quan sát vào tháng 8 năm nay.
Các nhà nghiên cứu không chắc chắn tại sao hòn đảo này tồn tại lâu hơn dự kiến. Tuy nhiên, các chuyên gia trước đây đã đưa ra giả thuyết rằng lớp bụi của hòn đảo có thể bị sóng hoặc nước mưa cuốn trôi, giúp nó giảm tốc độ tan chảy.
Quay trở lại thời điểm đảo Mesyatsev vẫn còn gắn liền với đảo Eva-Liv, đây là một địa điểm làm tổ quan trọng của loài hải mã. Tuy nhiên, theo Yevgeny Yermolov - người đứng đầu bộ phận bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa của Công viên quốc gia Bắc Cực Nga chia sẻ với Hãng thông tấn TASS, loài vật này phải tìm một nơi mới để gặp nhau trong mùa sinh sản sau khi khối băng tan.