HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Phát hiện hàng loạt 'kho báu' trong ngôi đền cổ chìm sâu dưới đáy biển Địa Trung Hải

Hải Châu

(Thị trường tài chính) - Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều báu vật và bí mật, bao gồm các đồ dùng nghi lễ bằng bạc, trang sức vàng và nhiều hộp đựng thạch cao quý hiếm...

Viện Khảo cổ học dưới nước châu Âu (IEASM) đã công bố phát hiện này tại một ngôi đền bị nhấn chìm dưới biển Địa Trung Hải ngoài khơi Ai Cập. Theo thông báo từ IEASM, dưới sự dẫn dắt của nhà khảo cổ biển người Pháp Franck Goddio, nhóm nghiên cứu đã phát hiện thêm nhiều thông tin mới về ngôi đền thờ thần Amun ở thành phố cổ Thonis-Heracleion, nằm trong vịnh Aboukir thuộc Ai Cập.

Trong quá trình khảo sát kênh đào phía Nam của thành phố, nhóm đã tìm thấy những khối đá khổng lồ từ ngôi đền đã bị đổ sập do "trận đại hồng thủy xảy ra vào thế kỷ II TCN".

Đền thờ thần Amun từng là nơi các Pharaoh đến để "tiếp nhận quyền lực từ các vị thần tối cao của Ai Cập cổ đại", theo như bản thông báo. Tại đây, các nhà khảo cổ đã khai quật được những hiện vật quý hiếm như các công cụ nghi lễ bằng bạc, trang sức vàng và các hộp thạch cao cổ xưa từng được dùng để chứa nước hoa và thuốc mỡ.

Phát hiện hàng loạt 'kho báu' trong ngôi đền cổ chìm sâu dưới đáy biển Địa Trung Hải - ảnh 1
 

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều báu vật và bí mật khi thám hiểm một ngôi đền bị chìm sâu dưới đáy biển Địa Trung Hải. Ảnh: Live Science

Ngoài ra, các thợ lặn còn tìm thấy các công trình ngầm với "các cột và dầm gỗ được bảo quản tốt" từ thế kỷ V TCN. Nhà khảo cổ Franck Goddio, Chủ tịch IEASM, bày tỏ xúc động khi thấy những di vật này vẫn tồn tại nguyên vẹn dù đã trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và thiên tai.

Phía Đông ngôi đền, nhóm khảo cổ phát hiện thêm một khu vực thờ thần Aphrodite của người Hy Lạp. Tại đây, các cổ vật bằng đồng và gốm đã được tìm thấy, cho thấy dấu tích của người Hy Lạp tại thành phố này, đặc biệt trong thời kỳ triều đại Saïte (688-525 TCN). Điều này cũng cho thấy người Hy Lạp đã có thể buôn bán và sinh sống ở Thonis-Heracleion, với các khu vực tôn nghiêm dành riêng cho các vị thần của họ.

Ngoài ra, phát hiện các vũ khí của Hy Lạp tại đây còn chứng minh sự hiện diện của các lính đánh thuê Hy Lạp, những người đã đảm nhiệm vai trò canh giữ cửa ngõ vào vương quốc Ai Cập qua nhánh Canopic của sông Nile.

Tàn tích của thành phố cổ Thonis-Heracleion lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2000, hiện đang nằm cách bờ biển Ai Cập khoảng 7km. Thành phố này từng là cảng quan trọng nhất của Ai Cập trên Địa Trung Hải cho đến khi Alexandria được Alexander Đại đế xây dựng vào năm 331 TCN.

Theo thông báo từ IEASM, nước biển dâng cao cùng với các trận động đất đã gây ra những vụ lún đất liên tiếp, khiến một vùng rộng khoảng 110km² của đồng bằng sông Nile, bao gồm cả thành phố Thonis-Heracleion, chìm xuống đáy biển.

Ý kiến bạn đọc