Ông Trương Gia Bình đề xuất đưa AI vào giáo dục ngay từ lớp 1
(Thị trường tài chính) -Lãnh đạo FPT đề nghị "nhanh nhất có thể" để đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục.
Sáng ngày 10/2, Thường trực Chính phủ tổ chức buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp nhằm thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp giúp khu vực kinh tế tư nhân tăng tốc, bứt phá, đóng góp vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
AI có thể mang lại lợi ích kinh tế lên tới 1,89 triệu tỷ đồng
Tại hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đề xuất sáng kiến "bình dân AI vụ", lấy cảm hứng từ phong trào "bình dân học vụ" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phát động trong giai đoạn kháng chiến khó khăn.
Theo ông Bình, thời cơ đã đến để phổ cập trí tuệ nhân tạo, đặc biệt khi nền tảng AI DeepSeek đang mở ra nhiều cơ hội mới. "DeepSeek giúp bình dân hóa trí tuệ nhân tạo, nghĩa là không chỉ các tập đoàn lớn mà cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tiếp cận và ứng dụng AI", ông Bình nhấn mạnh.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Để hiện thực hóa điều này, ông Bình đề xuất triển khai nhanh chóng AI vào hệ thống giáo dục ở mọi cấp học. "Chúng tôi là những người trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục, đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước", ông nói, đồng thời tin tưởng rằng đây sẽ là bước đệm giúp Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo đang được nhiều quốc gia đầu tư mạnh mẽ với tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Theo nghiên cứu của Google, nếu AI được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, có thể mang lại lợi ích kinh tế lên tới 1,89 triệu tỷ đồng (79,3 tỷ USD) vào năm 2030, tương đương gần 12% GDP của Việt Nam.
Chính phủ cũng đã xác định AI là một trụ cột quan trọng trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8%, tạo đà hướng tới mức hai con số trong giai đoạn tiếp theo.
Nhấn mạnh cơ hội này, ông Trương Gia Bình khẳng định Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, sẽ là một quốc gia hùng mạnh, phồn thịnh, đứng trong hàng ngũ các nước tiên tiến nhất trên thế giới.
"Chính thời điểm này khi vận nước đến chúng ta phải làm mọi cách để mà phát triển, không thể bỏ lỡ", ông nói. Chủ tịch FPT so sánh mối quan hệ giữa GDP và khoa học - công nghệ giống như một "đồ thị parabol đi lên", tức là khi GDP tăng trưởng, trình độ khoa học công nghệ cũng phát triển theo.
Việt Nam phải vươn lên bằng chính công nghệ AI của mình

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC. Ảnh: VGP
Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC nêu lên một vấn đề quan trọng: "Chúng ta đang nghiên cứu khoa học và công nghệ nhưng khoa học chưa gắn kết với công nghệ, công nghệ chưa kết nối với thị trường và doanh nghiệp. Đây là điểm nghẽn lớn cần giải quyết".
Ông kỳ vọng việc sáp nhập Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp tăng cường sự phối hợp, thúc đẩy ứng dụng khoa học vào thực tế doanh nghiệp.
Ông Chính cũng đề cập đến Nghị quyết 57, xem đây là "bản đồ chiến lược" giúp Việt Nam vươn mình mạnh mẽ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng AI như một lợi thế công nghệ mà Việt Nam đang sở hữu, đồng thời đề xuất mở rộng sự hiện diện của công nghệ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.
Ông Chính lấy ví dụ minh họa, ngày 21/1 vừa qua tại Davos, khi tuyên bố chiến lược chuyển đổi của Việt Nam đối với lĩnh vực công nghệ, thế giới rất quan tâm đến Việt Nam.
"Chúng tôi có hơn 200 đại biểu đăng ký nhưng hội nghị chỉ có 60 chỗ nên chỉ mời 60 đại biểu đến. Chúng tôi có kiến nghị là sau này đi Davos chúng ta nên có 'Viet Nam House' tại Davos chẳng hạn. Như vậy, tất cả các công ty công nghệ của chúng ta có thể đem các ý tưởng của mình đến để giới thiệu với thế giới", ông Chính nói. Chủ tịch CMC thêm rằng Việt Nam phải vươn lên bằng chính công nghệ AI của mình.
Tại buổi gặp, ông Nguyễn Trung Chính cũng nhắc đến hai nhiệm vụ quan trọng của CMC là xây dựng hạ tầng điện toán đám mây không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn cả khu vực và xây dựng C.OpenAI.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Chủ tịch CMC đưa ra 3 kiến nghị: thứ nhất, Nhà nước hoàn thiện thể chế, cụ thể Nhà nước giao Bộ, ngành, địa phương "KPI" cam kết thời gian giải quyết thực thi cho doanh nghiệp như thế nào; thứ hai, tập đoàn CMC mong muốn có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 10 năm, đáp ứng khoản đầu tư 700 triệu - 1 tỷ USD cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật; cuối cùng, CMC mong muốn được hỗ trợ về hạ tầng để xây dựng các cơ sở đào tạo.
"Tuyển sinh 1.000-2.000 sinh viên về trí tuệ nhân tạo thì chúng tôi có tòa nhà gần 10.000m2 có thể đào tạo 2.000 sinh viên. Tuy nhiên, quy định 2ha đất để triển khai phân hiệu mới thì thực sự không đơn giản về thủ tục", ông Chính nhận định.