HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ông Hoàng Nam Tiến: TikTok sẽ khiến não người dùng mịn ra, hay có cách gọi khác là 'não đậu phụ'

Mạnh Lân

(Thị trường tài chính) - Một nghiên cứu mới bất ngờ cho thấy chỉ số IQ của những người trẻ tuổi vốn đang tăng dần lại bắt đầu giảm dần, sếp Hoàng Nam Tiến cũng đồng tình.

Trong một buổi hội thảo gần đây, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Hội đồng trường, Trường Đại học FPT, đã đưa ra những cảnh báo sâu sắc về ảnh hưởng tiêu cực của các nền tảng giải trí số, đặc biệt là TikTok, đối với não bộ người dùng. 

Dẫn nguồn từ hãng tin AP, ông Tiến chia sẻ rằng Từ điển Oxford mới đây đã công bố cụm từ "brain rot" (thối não) là cụm từ đại diện cho năm 2024. Hiện tượng này mô tả sự suy giảm chức năng não bộ khi con người tiêu thụ quá nhiều nội dung giải trí trực tuyến một cách thiếu kiểm soát. Ông cảnh báo rằng nếu mỗi ngày chúng ta dành hơn 2 tiếng để xem TikTok, các bộ phim ngắn của Trung Quốc, hoặc các nội dung liên quan đến tổng tài, nữ cường, soái ca..., chúng ta sẽ rơi vào tình trạng 'não thối'.

Ông Tiến không ngần ngại chỉ ra những hậu quả đáng lo ngại của việc này: "Não của các bạn sẽ mịn dần ra, không thiết nghĩ gì nữa, mắt bắt đầu lờ đờ, tai chỉ nghe được âm thanh của điện thoại, tay làm duy nhất động tác là gạt đầy. Con cháu chúng ta mấy đời sau, tôi nghĩ ngón cái sẽ to gấp ba lần".

Ông Hoàng Nam Tiến: TikTok sẽ khiến não người dùng mịn ra, hay có cách gọi khác là 'não đậu phụ' - ảnh 1

TikTok được ông Tiến đánh giá là một trong những nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tốt nhất trên thế giới. Với khả năng phân tích hành vi người dùng chỉ trong vòng hai tuần, TikTok dễ dàng xác định những gì người dùng muốn xem, nghe và trải nghiệm. Theo ông, chính sự "chiều lòng" này của AI lại gây ra tác dụng phụ đáng lo ngại.

Ông giải thích: "Trong 2 tuần, TikTok sẽ biết các bạn cần gì, muốn nghe gì, xem gì và cung cấp những điều các bạn muốn. Điều này khiến não người dùng mịn ra, hay có cách gọi khác là 'não đậu phụ' bởi bạn không tập trung suy nghĩ nữa, chỉ đón nhận thông tin".

Một nghiên cứu mới đây cũng bất ngờ chỉ ra rằng, chỉ số IQ của những người trẻ tuổi vốn đang tăng dần lại bắt đầu giảm dần.

Trong nhiều thập kỷ qua, Hiệu ứng Flynn đã trở thành một biểu tượng của sự tiến bộ trí tuệ con người. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đang báo hiệu một xu hướng đáng lo ngại: chỉ số IQ trung bình của con người không những không tăng mà còn giảm dần qua các thế hệ. Một số nhà khoa học đã chỉ ra rằng, chỉ số IQ trung bình có thể giảm tới 7 điểm sau mỗi thế hệ, và điều này được xem như một dấu chấm hết cho Hiệu ứng Flynn.

Hiệu ứng Flynn, được đặt theo tên James Flynn, là một xu hướng tích cực trong đó chỉ số IQ trung bình của con người tăng dần theo thời gian. Flynn tin rằng, nếu một quốc gia vượt qua được các thách thức lớn như chiến tranh hay dịch bệnh, trí thông minh của dân cư nước đó sẽ tăng lên đáng kể.

Ông Hoàng Nam Tiến: TikTok sẽ khiến não người dùng mịn ra, hay có cách gọi khác là 'não đậu phụ' - ảnh 2

Hiệu ứng Flynn, được đặt theo tên James Flynn, là một xu hướng tích cực trong đó chỉ số IQ trung bình của con người tăng dần theo thời gian. Ảnh: Shutterstock

 

Theo ông, trong vòng 60-70 năm qua, chỉ số IQ trung bình trên toàn cầu đã tăng khoảng 3 điểm mỗi thập kỷ, nhờ vào các cải tiến trong giáo dục, dinh dưỡng và môi trường sống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng xu hướng này dường như đã bị gián đoạn từ năm 1975, đánh dấu sự đảo ngược của Hiệu ứng Flynn.

Hai nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Anh cho thấy, chỉ số IQ trung bình của con người bắt đầu giảm sút từ năm 2000, với mức giảm từ 2,5 đến 4,3 điểm mỗi thập kỷ. Trong báo cáo mới nhất, Olli Rogberg và Bernd Bratzberg thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Ragnar Frisch tại Oslo đã phân tích dữ liệu từ 730.000 nam giới Na Uy phục vụ trong quân đội từ năm 1970 đến năm 2009.

Kết quả cho thấy, những người đàn ông trẻ ngày nay có chỉ số IQ thấp hơn thế hệ cha mẹ họ ở cùng độ tuổi. Stuart Ritchie, một nhà tâm lý học tại Đại học Edinburgh, đã gọi đây là "bằng chứng thuyết phục nhất về sự đảo ngược của Hiệu ứng Flynn". Nếu xu hướng này tiếp tục, nó có thể đặt ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của xã hội và con người.

Ông Hoàng Nam Tiến: TikTok sẽ khiến não người dùng mịn ra, hay có cách gọi khác là 'não đậu phụ' - ảnh 3

Hai nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Anh cho thấy, chỉ số IQ trung bình của con người bắt đầu giảm sút từ năm 2000, với mức giảm từ 2,5 đến 4,3 điểm mỗi thập kỷ (Hình minh họa)

Nhiều nhà khoa học cho rằng sự suy giảm này có liên quan đến các yếu tố như: 

Phương pháp giáo dục hiện đại: Những thay đổi trong cách dạy toán và ngôn ngữ ở trường học khiến học sinh tiếp thu kiến thức kém hiệu quả hơn.

Sự lạm dụng công nghệ: Con người ngày càng dành nhiều thời gian vào các thiết bị công nghệ thay vì đọc sách, suy nghĩ và mở rộng kiến thức.

Như ý kiến của ông Hoàng Nam Tiến được chia sẻ ở trên, việc sử dụng công nghệ không kiểm soát đang làm "mịn" não bộ của con người, khiến họ ít tư duy và dần trở thành "nạn nhân" của những nội dung giải trí thụ động.

Mặc dù xu hướng giảm IQ gây lo ngại, một số nghiên cứu cũng cho thấy các yếu tố tích cực có thể cải thiện trí thông minh. Một nghiên cứu vào năm 2017 chỉ ra rằng trẻ em ăn cá ít nhất một lần mỗi tuần không chỉ ngủ tốt hơn mà còn có chỉ số IQ cao hơn 5 điểm so với những trẻ ăn ít cá. Điều này được lý giải bởi các axit béo omega-3 trong cá giúp cải thiện trí não và thúc đẩy chất lượng giấc ngủ.

Hiệu ứng Flynn từng là niềm hy vọng về sự phát triển trí tuệ của con người, nhưng giờ đây, nó đã trở thành lời nhắc nhở về những nguy cơ nếu chúng ta không kiểm soát tốt công nghệ và phương pháp giáo dục. Việc cân bằng giữa sử dụng công nghệ và các hoạt động nâng cao trí tuệ, như đọc sách, học tập và phát triển kỹ năng tư duy, là chìa khóa để bảo vệ và cải thiện trí thông minh của các thế hệ tương lai.

*Tổng hợp