Nữ NSND là tên tuổi tiên phong của cải lương Việt Nam, được mệnh danh ‘Hoa khôi đất Bắc’
(Thị trường tài chính) - Bà được coi là một trong những người tiên phong trong nền tân nhạc Việt Nam, đồng thời là nhân tố nòng cốt của nghệ thuật cải lương cách mạng ở miền Bắc.
NSND Ái Liên sinh năm 1920 tại Ngõ Nghè, nay là phố Lê Chân, Hải Phòng, lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Mẹ bà, diễn viên Trần Thị Sinh là một tên tuổi nổi tiếng trong làng cải lương vào thời kỳ đó. Cha bà ông Thái Đình Lan, là một tiểu thương hoạt động trong ngành hàng hải.
Chân dung nghệ sĩ Ái Liên. Ảnh tư liệu
Ngay từ khi còn nhỏ, Ái Liên đã bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật cải lương. Bà được mẹ và các anh chị trong đoàn chỉ dạy, phát triển tài năng nghệ thuật. Sớm làm quen và thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn kìm, cò, sến, độc huyền, trống, mõ thanh, thập lục. Ngoài ra, bà còn học và chơi thành thạo các nhạc cụ phương Tây như dương cầm, vĩ cầm, tây ban cầm, hạ uy cầm và trống jazz.
Khi mới 16 tuổi, Ái Liên trở về Hải Phòng và bắt đầu tham gia các buổi diễn từ thiện, tham gia với vai trò tài tử. Sau đó, bà được mời gia nhập Hội kịch Bắc Kỳ (La Scène Tonkinoise), nơi bà có dịp thể hiện tài năng trong vai Yến trong vở Kịch trường vạn tuế của tác giả Trần Ngọc Diệp. Đây cũng là bước đệm để Ái Liên nhanh chóng trở thành ngôi sao của đoàn kịch La Scène Tonkinoise.
NSND Ái Liên khi 16 tuổi. Ảnh: Ca sĩ Ái Vân
Trong cuốn tự truyện Để gió cuốn đi, ca sĩ Ái Vân – con gái của NSND Ái Liên đã chia sẻ rằng, khi mới 16 tuổi, bà tham gia cuộc thi "Người đẹp Bắc Kỳ" và giành giải cao nhất. Chính vì vậy, Ái Liên được nhiều người phong tặng các danh hiệu như "Hoa khôi đất Bắc", "Hoa khôi Hà Nội", hay "Hoa khôi Đông Dương",…
Có thể nói, Ái Liên không chỉ đẹp mà còn đa tài. Bà từng cùng mẹ lập gánh hát tại miền Bắc, trong một thời gian, bà đã vào Nam tham gia hoạt động cùng đoàn hát Đại Phước Cương của ông bầu Nguyễn Ngọc Cương, cha ruột của NSND Kim Cương.
Đoàn hát Đại Phước Cương quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng của miền Nam như Năm Châu, Bảy Nhiêu, Từ Anh, Năm Phỉ, Ba Vân, Kim Cúc,... Chính trong môi trường này, Ái Liên đã học hỏi được rất nhiều kỹ thuật và phong cách cải lương đặc trưng của miền Nam.
NSND Ái Liên và chồng trong ngày cưới. Ảnh: NX
Không chỉ dừng lại ở việc biểu diễn, Ái Liên còn là một trong những nghệ sĩ tiên phong trong việc thu âm các ca khúc, điệu lý Nam bộ, và các bài bản cải lương. Sau một thời gian làm việc tại miền Nam, Ái Liên trở về Bắc và tiếp tục gặt hái thành công, nổi danh cùng các nghệ sĩ như Kim Xuân, Bích Hợp, Lan Phương và Kim Chung.
Ái Liên và chồng còn sáng lập một hãng phim riêng. Sau năm 1954, bà trở thành nghệ sĩ tích cực tham gia phong trào cải lương cách mạng ở miền Bắc. Với tài sắc vẹn toàn, Ái Liên đã đảm nhận nhiều vai chính ấn tượng như Kim Thông trong Dệt gấm và Võ Thị Sáu trong Người con gái đất đỏ.
Không chỉ nổi bật với diễn xuất, bà còn tham gia công tác quản lý, làm việc tại các hội nghệ thuật và truyền dạy cải lương cho nhiều thế hệ sau. Bên cạnh đó, nghệ sĩ Ái Liên đã đóng góp cho nền nghệ thuật Việt Nam những tài năng nổi bật như các con của bà: Ái Vân, Ái Xuân, Ái Thanh, Hà Quang Văn và Hà Quang Sơn.
Nghệ sĩ Ái Liên trong một vở diễn. Ảnh tư liệu
Nghệ sĩ Ái Liên cũng được triều đình Huế tặng huy chương Nam Long Bội Tinh. Đoàn của bà đã lưu diễn khắp Đông Dương và giành được nhiều thành tựu lớn. Đặc biệt, Quốc vương Sihanouk (1922-2012) đã đích thân lên sân khấu trao huy chương cho bà, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của bà cho nghệ thuật.
Năm 1952, gánh hát Ái Liên giải thể. Sau năm 1954, bà đảm nhận vai trò trưởng đoàn cải lương Bắc Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), tích cực tham gia vào phong trào cải lương cách mạng ở miền Bắc và góp phần đào tạo nhiều thế hệ diễn viên cho Nhà hát.
Một bài báo tư liệu về NSND Ái Liên. Ảnh: TL
Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn dành sự kính trọng đặc biệt cho Ái Liên - một trong những người đi trước có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cải lương. NSDN Ái Liên được coi là một trong những người tiên phong trong nền tân nhạc Việt Nam, đồng thời là nhân tố nòng cốt của nghệ thuật cải lương cách mạng ở miền Bắc.
Năm 1991, nghệ sĩ Ái Liên qua đời ở tuổi 71. Sáu năm sau, bà được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, ghi nhận những cống hiến to lớn của bà cho nghệ thuật cải lương.